Bản Nguyên

Hỏi: Kính xin Thầy giúp con hiểu bài thơ của Thầy:
Vô thường vốn lẽ diệu thường 
Tử sinh mới thấy tỏ tường vô sinh 
Hữu vô như bóng với hình 
Vô minh cùng với chữ minh một vần.
- “Vô thường vốn lẽ diệu thường” vô thường là bản chất muôn đời của mọi hiện tượng (pháp tướng). Vì định luật vô thường đã là diệu thường rồi nên đừng cố tìm cái thường nào khác mà chỉ cần thấy diệu thường trong vô thường là được. Diệu thường là thấy vô thường mà tâm vẫn bình thường chứ không mong nó thường như ý mình. Chính vì trong vô thường mà mong thường nên mới sai lầm và đau khổ.
Tử sinh mới thấy tỏ tường vô sinh” Khi quan sát, thấy tất cả tâm sinh lên đều tự diệt tức đều trở về gốc vô sinh. Đức Phật cũng như Lão Tử đều nói thấy ra tính sinh diệt là minh. Sinh liền thấy, diệt liền thấy nên tuy hiện tượng sinh diệt mà tánh thấy vẫn không sinh diệt. Qua hiện tượng sinh diệt mới thấy được “Các phục quy kỳ căn” như Lão Tử nói, tức mọi hiện tượng sinh diệt đều trở về gốc vô sinh hay tánh không.
Hữu vô như bóng với hình” vì sinh diệt nên thấy khi có khi không, nhưng hữu vô chỉ là hiện tượng bên ngoài, thực ra năng lượng vẫn được bảo toàn trong sự vận hành của vạn pháp. Vì vậy chấp có chấp không cũng đều là tà kiến trong khi vạn pháp đang chuyển biến không ngừng, không có gì mất đi (đoạn) cũng không có gì còn mãi (thường). Tiến trình tâm hay diễn biến của mọi sự mọi vật cũng đều như vậy. 
Vô minh cùng với chữ minh một vần” Minh vốn là Vô Sư Trí, là gốc tâm chói sáng (pabhassara citta) như đức Phật đã dạy, nhưng nhờ có Vô Minh mà tâm lang thang đi tìm kiếm trải nghiệm trong vô vàn sự tướng ở đời, chịu bao luân hồi đau khổ để rồi giúp Minh có thêm Hậu Đắc Trí. Hóa ra Vô Minh lại có công rất lớn, là phụ tá đắc lực, nếu không muốn nói là bậc thầy của Minh, như đất phân nuôi lớn hạt giống thành cây cối xum xê, như bùn dơ ươm bón những đoá sen thơm ngát, như đứa bé tò mò nghịch ngợm mà ngày mỗi lớn khôn… nên Vô Minh chỉ là mặt khác của Minh mà thôi. 
Giác ngộ là vô minh thì thấy vô minh, minh thì thấy minh… mỗi mỗi đều là những cái biểu hiện để giúp tâm thấy ra tất cả vốn đã hoàn hảo ngay trong chính nó. Cho nên chỉ cần sống bình thường và thấy ra nguyên lý của Pháp thôi. Sự vận hành của Pháp vốn rất hoàn hảo trong những cặp đối đãi – tương sinh tương khắc – của nó. Pháp có hai nghĩa: Tự nhiên và mẫu mực. Hai điều này có vẻ như trái ngược nhau nhưng lại là một, là đồng nhất trong chính nó (nhất nguyên lưỡng tính). Mẫu mực tức sự lập trình hoàn hảo đến mức độ hoàn toàn tự nhiên. Nên Lão Tử nói “Thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên” Trời Đất vận hành theo nguyên lý tất định, nhưng nguyên lý mẫu mực đó lại chính là tự nhiên. Nếu nhầm lẫn sự hoàn hảo của Pháp theo sự hoàn hảo trong khái niệm của mình thì chỉ lăng xăng lấy mặt này bỏ mặt kia để mong tiểu ngã trở thành đại ngã chứ không sao giác ngộ được tính toàn diện trong bản nguyên của Pháp.


Trà Đạo ngày 27.07.2017
HT. Viên Minh