Tự Nhiên và Vô Tâm


Hỏi: Con có trải nghiệm về sự thấy của con, nhất là sau khi phạm sai lầm lương tâm con dằn vặt đau khổ, cộng thêm đầu căng thẳng và đau bao tử. Nhờ thư giãn buông xả và làm việc gì cũng thận trọng, quan sát… con thấy trong con chuyển hẳn hoàn toàn, không còn đau khổ nữa. Thật đúng như trong bài kệ của Thầy con đọc được:
Vô minh và tham ái...
Diệt tận bằng trí tuệ
Kính mong Thầy chỉ dạy thêm?

- Con nhận thức và hành xử như vậy là đúng. Trong tu tập nhiều hành giả thường cố gắng sắp đặt cái gì đó trước cho việc hành trì của mình, như phải ngồi thế này, giữ Tâm thế kia, để mong đạt được thế nọ… nhưng thật ra không phải như vậy, mà là cứ sống bình thường trong đời sống hàng ngày, ngay đó biết quan sát mà thấy ra và học cách hành xử sao cho đúng tốt là được. Chỉ cần quan sát xem thái độ nhận thức và hành xử khi một sự việc xảy ra, nếu cố gắng loại trừ hoặc nắm giữ thì sẽ ra sao, nếu lờ đi để niệm Phật hoặc tụng chú thì sẽ thế nào, và nếu trực nhận trọn vẹn mọi diễn biến của nó thì sẽ thấy ra điều gì.

Trong đời sống chính là cần trải nghiệm và chiêm nghiệm sự thật một cách tự nhiên, khách quan và mới mẻ chứ đừng chuẩn bị sẵn một lập trình hay một kịch bản chủ quan nào hết. Ví dụ như khi đi trên con đường trơn ướt và bị trượt chân, liền ngay đó tự động gượng lại, thận trọng dò dẫm xem chỗ nào không trơn để bước tiếp thì đó là một sự dò dẫm để học ra bài học hoàn toàn mới mẻ, còn nếu sắp đặt trước một cách đi theo một nhịp điệu nhất định nào đó, thì thế nào cũng bị té ngã. 
Mỗi hoàn cảnh, mỗi tình huống, mỗi nơi, mỗi lúc đều khác nhau, nên lúc nào cũng phải tùy chính cái duyên tại đây và bây giờ để ứng xử, nếu có sai thì liền thấy ra để ngay đó điều chỉnh lại cho đúng, đó là tu, là sống thuận pháp. Cũng vậy, như trường hợp của con, khi phiền não bức xúc, tìm cách này cách kia để xử lý nhưng chỉ càng căng thẳng, cuối cùng buông ra và trực nhận nó một cách trọn vẹn thì tự nhiên thấy ra "À! thì ra là thế". Đó chính là ngộ. 

Còn nếu cứ áp đặt theo một phương pháp chế định sẵn và ép mình trong điều kiện hạn hẹp nhất định nào đó thì mãi mãi không thấy rằng mọi tình huống trong đời sống đều giúp mình biết điều chỉnh nhận thức và cách hành xử sao cho đúng tốt dẫu đã trải qua không ít sai lầm. Có hai trường hợp: Một là nhận thức đúng thì hành xử tốt, hai là nhận thức sai thì hành xử sai, nhưng từ nhận thức sai rồi hành xử xấu nên gặp hậu quả khổ đau mà thấy ra sai và ngay đó điều chỉnh mà trở lại đúng tốt. Đó chính là tu ngay trong đời sống tự nhiên không cần phương pháp chế định sẵn nào, vì không có phương pháp nào ứng được cho tất cả mọi tình huống khác nhau, trừ phi nắm vững nguyên lý giác ngộ và sự vận hành tự nhiên của pháp.
Không có bậc giác ngộ nào đưa ra phương pháp hành trì nhất định, lặp đi lặp lại cứng nhắc, vì không bao giờ có giải pháp chung cho mọi tình huống trong cuộc sống. Các ngài chỉ nói lên Sự Thật và chỉ ra nguyên lý giác ngộ Sự Thật ấy để mỗi người tự thấy ra mà sống cho đúng tốt thôi. Cụ thể như khi Đức Phật đến khai ngộ cho nhóm 5 vị tu khổ hạnh Kondañña, Ngài không nói các vị ấy phải bỏ khổ hạnh và tu theo phương pháp mới Ngài đưa ra để đạt được lý tưởng nào, mà ngay nơi họ Ngài chỉ thẳng Sự Thật khổ là gì, khổ do đâu mà ra, các vị có thấy bản chất sự khổ ấy (Khổ Đế) và nguyên nhân của nó (Tập Đế) không? Khi nghe xong các vị ấy thấy ra Sự Thật (Đạo Đế) thì cũng ngay đó chứng ngộ Niết-bàn (Diệt Đế) mà không qua phương pháp tu luyện nào cả. Mọi phương pháp hành trì hay pháp môn phương tiện đều được chế định hàng trăm, hàng ngàn năm sau khi đức Phật viên tịch do các Tông phái, các đạo sư, thiền sư đua nhau luận giải hoặc dựa vào các luận giải của người trước mà chế định ra phương pháp theo tầm nhìn giới hạn của mình thôi.

Giác ngộ chỉ là thấy ra Sự Thật hiển nhiên sẵn có nhưng do “nhiều bụi trong mắt” (ảo tưởng, tà kiến) mà không thấy nên đức Phật dạy yếu tố tiên quyết của Đạo Sống Đúng Tốt (Bát Chánh Đạo) là Chánh Kiến tức thấy đúng Sự Thật sẵn có nơi mỗi người và ngay nơi cuộc sống này. Khi đã thấy đúng Sự Thật tất nhiên sẽ suy nghĩ đúng và từ đó về thân sẽ nói năng đúng, hành động và sống đúng; về tâm sẽ không buông lung phóng dật nữa mà tự trở về với Sự Thật ngay đây và bây giờ gọi là chánh tinh tấn, sống trọn vẹn với Sự Thật gọi là chánh niệm và không còn dao động nữa gọi là chánh định, khi đó tâm tự yên đâu cần phải ngồi khổ luyện thiền định để thành Đại Ngã như Bà-la-môn. Ví dụ, do không thấy sự thật, nhìn bóng cây tưởng là ma liền sinh sợ hãi, nhưng khi thấy sự thật thì sợ tự hết, tâm tự yên, đâu cần phải nỗ lực loại trừ sợ hãi hay cố gắng định tâm.
Như vậy, thấy ra Sự Thật là chính. Tất cả điều đức Phật dạy cho người này người kia, bài kinh này, câu kệ nọ… là chỉ giúp người đó thấy ra Sự Thật ngay nơi chính họ chứ không bắt họ tu luyện để đạt được gì. Như với 5 vị Kiều Trần Như tu khổ hạnh thì đầu tiên đức Phật dạy Sự Thật về Khổ. Nàng Patacārā điên loạn vì mất chồng, mất con, mất cha, mất mẹ, tứ cố vô thân… Ngài nói ngay Sự Thật vô ngã thì nàng liền tỉnh ngộ. Tu là thấy ra sự thật ngay nơi tình huống đang trải nghiệm giữa cuộc sống bình thường, chứ không phải tránh mọi tình huống để được bình an. Cho nên người xưa nói "Phiền não tức bồ đề" chính là chỗ đó. Thấy ra được phiền não đúng như bản chất thật của nó chính là trí tuệ, là bồ đề, chứ không phải tránh phiền não để chìm đắm trong sự an bình giả tạo. Tất cả mọi tình huống đến với chúng ta đều giúp chúng ta phát huy trí tuệ và đạo đức, qua nhận thức và hành vi đúng tốt.  

Hỏi: Khi con thực hành tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì cái thấy nghe của con có sáng hơn nhưng chưa rõ lắm, toàn là những trạng thái trạo cử, ngứa ngáy... khi con buông xả và lắng nghe nó thì có lúc nó qua nhưng có lúc mạnh hơn, có đôi lúc con lại gồng lên để có thể cảm nhận được nó. Kính xin Thầy chỉ dạy thêm.

- Thực ra, tinh tấn chánh niệm tỉnh giác có nghĩa là tâm không buông lung, thất niệm và mất tự tri, do đó chỉ cần trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thân thọ tâm pháp để thấy rõ mọi diễn biến đang xảy ra là được. Nhưng con còn lúng tùng vì 2 vấn đề:

  1. Khi một trạng thái khởi lên trong con, thay vì chỉ trọn vẹn thấy biết một cách tự nhiên vô tâm thì con lại cố ý kiểm soát nó, muốn nó qua đi. Chẳng hạn khi thấy trạng thái sân thì cố thấy để cho mau hết sân là sai rồi. Lẽ ra con nên cám ơn sân đang đến để giúp con nhận ra sự có mặt của tánh biết, con lại muốn đuổi sân đi, như vậy làm sao thấy ra tánh sinh diệt, khổ đau và vô ngã của nó? 

  1. Cố gắng chánh niệm tỉnh giác nhiều hơn cũng sai. Thực ra, chánh niệm tỉnh giác là phản ứng rất tự nhiên, và tự động (vô tâm, không dụng ý) khi tâm đang lang thang chợt tỉnh quay về trọn vẹn với thực tại, nên hầu như không cố ý nỗ lực gì cả. Nhiều người hiểu lầm tinh tấn chánh niệm tỉnh giác của tánh biết tự nhiên với nỗ lực theo dõi đối tượng một cách miên mật kiểu tầm-tứ trong thiền định, nên đã chánh niệm tỉnh giác quá mức. Do nỗ lực cá nhân một cách lý trí nên thường rơi vào 2 trường hợp chánh niệm tỉnh giác sai, một là chưa đủ, hai là quá dư. Trong trường hợp con trình bày, con chỉ nên khi trạo cử chỉ thấy trạo cử, khi ngứa ngáy chỉ thấy ngứa ngáy, đừng cố ý kiểm duyệt nó thì mới thấy ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó. Đó mới thật là tinh tấn chánh niệm tỉnh giác.


Hỏi: Thưa Thầy, vậy khi ngồi thiền thấy ngứa có cần phải tập trung chú ý đến chỗ ngứa không?

- Không, không nên tập trung chú ý khi thiền Vipassanā, tập trung chú ý chỉ dùng trong thiền định. Vừa rồi, có câu hỏi rằng: “Khi tu thiền con thấy tâm rất bình an nhưng có cái gì đó nặng nặng mà dường như cái nặng này chính là sự chú ý”. Phải, chính sự tập trung chú ý sinh ra căng thẳng. Tu là chỉ thấy ra sự thật một cách tự nhiên vô tâm thôi, như thế mới đúng nguyên lý “không, vô tướng, vô tác, vô cầu”. Nên tu là không cố gắng tạo tác gì hết, đơn giản là tay đưa lên để xuống, mắt nhìn qua nhìn lại v.v… mỗi mỗi đều có thể thấy được một cách tự nhiên, đâu cần tập trung chú ý. Thấy thì ai cũng thấy, ngay cả em bé mới sinh ra cũng thấy biết rồi, đó là quy luật tự nhiên, sinh ra ai cũng đã có sẳn tánh biết chứ không cần trang bị thêm nỗ lực của bản ngã, chính vì cố thêm thắt nên mới thấy nặng nề. Đôi lúc càng cố tu càng sai, trong khi tánh biết rất tự nhiên, linh hoạt nên thấy là thấy ngay, như chân vừa đạp phải miểng chai thì biết liền, lập tức rút chân lên và bước sang chỗ khác.

Cho nên, do gia thêm sự chú ý (tầm-tứ) hữu vi vào chánh niệm tỉnh giác vốn tự nhiên vô vi mà trở nên nặng nề căng thẳng. Tập trung chú ý vào một đối tượng chỉ sử dụng trong tứ thiền bát định (hữu vi, hữu ngã) mà thôi, thiền Vipassanā và ngay cả chánh định cũng không cần dùng tới sự tập trung chú ý này. Nhiều hành giả do nhầm lẫn thiền định với thiền minh sát nên khi tu thường thiếu 2 yếu tố tự nhiên  vô tâm một cách trầm trọng. Vô tâm tức không nỗ lực tập chú theo ý đồ của bản ngã. Cố tâm nỗ lực chánh niệm tỉnh giác là sai, mà buông xuống mọi ý đồ, mọi nỗ lực hữu vi thì chánh niệm tỉnh giác mới xuất hiện. Đó là bí quyết tinh tế trong chánh niệm tỉnh giác. Thí dụ khi ngứa mà tâm không phóng dật thất niệm thì tự nó trọn vẹn tỉnh thức với thực tại đang ngứa đó, hoàn toàn tự nhiên không cần cố ý tập chú gì cả. Nếu cố tập trung chú ý vào cảm giác ngứa thì liền mất sự trọn vẹn tỉnh giác tự nhiên, vô vi, vô ngã.

Hỏi: Con hiểu cần trở về với thực tại, nên con giữ hơi thở của con trong cái nhìn và trong cái thấy. Con thực hành như vậy đúng không thưa Thầy?

- Không nên giữ hơi thở như vậy, mà cứ để tự nhiên cái gì đến thì thấy dù đó là thân, thọ, tâm hay pháp. Đừng giữ cái gì cả, giữ là vướng kẹt, là sai. Khi thư giãn buông xả con sẽ tự thấy sự thở vô thở ra đang diễn biến tự nhiên, không cần giữ. Buông hết mọi nỗ lực nắm giữ chỉ trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại đang là mà thôi.

Hỏi: Theo con hiểu khi căn trần tiếp xúc như mắt thấy, tai nghe v.v… nếu con giữ hơi thở để biết con đang nghe, đang nhìn, như vậy đúng không thưa Thầy?

- Không cần thiết, khi nào thư giãn buông xả, không cần thấy, nghe bên ngoài, tâm trở về với thân thì tự nhiên biết thân đang thở, còn khi nghe chỉ trọn vẹn nghe, khi thấy chỉ trọn vẹn thấy chứ không cần giữ hơi thở gì cả. Để tâm rỗng lặng trong sáng tự nhiên tốt hơn là giữ tâm nơi hơi thở, nhờ thế cái gì đến mới có thể thấy, nghe liền. Ví dụ tấm gương, giả sử trước mặt mọi người là tấm gương thì bất kỳ ai làm gì tấm gương đều thấy, nhưng khi tấm gương chú ý vào một ai đó thì mất cái thấy toàn diện và tự nhiên. Cũng vậy, khi thầy chú ý vào cái cột trước mắt thì không thấy ai khác đang ngồi quanh đây nữa, vì vậy không nên giữ sự chú ý vào một cái gì nhất định, sự chú ý chỉ tự xuất hiện khi cần rồi thôi thì được. Như Đức Phật dạy trong Tứ Niệm Xứ, khi trở về trọn vẹn thấy thân thọ tâm pháp thì chỉ thấy thôi, không có tham ưu, không dính mắc hay bám víu vào bất cứ điều gì.
Tánh biết vốn thấy biết tự nhiên, không bị bám trụ vào điều gì, không giữ lại ở đâu, nên khi có pháp gì đến đi nơi thân, thọ, tâm, pháp đều biết được. Khi có tham liền thấy tham, khi có sân liền thấy sân… không cố giữ lại cũng không cố dẹp bỏ. Thấy tất cả mọi sự đến đi như nó là mới thấy ra sự sinh diệt, sự lợi hại, thấy ra nhân duyên, quả báo của nó như thế nào. Chính nhờ cái thấy đó mà tự nhiên phát huy trí tuệ và đạo đức vốn có trong tự tánh. Trí tuệ tức là thấy pháp trung thực như nó đang là, không thấy theo tư kiến tư dục hay lý trí và tình cảm chủ quan. Đừng nghĩ là mình đang hành thiền tuệ, thiền định gì cả, tâm đang thấy thì chỉ thấy thôi, hễ thấy mà còn cho là mình đang hành thế này thế kia thì đã bị ảo tưởng của bản ngã xen vào rồi. Khi Phật nói lên Sự Thật, có người đã từng trải nghiệm thì thấy ngay, có người phải trải nghiệm thêm nữa mới thấy ra "À! đúng rồi" đó là Ngộ.

Thứ nhất là người sau không chỉ thẳng như Phật - vì họ chưa thấy để chỉ - nên chế ra các phương pháp thiền để hành và bày vẽ cho người khác áp dụng theo, chứ không phải là Sự Thật “ngay đó mà thấy, không qua thời gian” như đức Phật dạy. Thứ hai là tinh tấn mà hiểu lầm là nỗ lực. Thực ra tinh tấn là buông hết mọi nỗ lực “tạo tác trở thành” để trở về với thực tại đang là, để trọn vẹn thấy ra Sự Thật. Nên Đức Phật dạy "Chỉ có Pháp hiện tại, Tuệ quán chính là đây". Giác ngộ cũng tại đây, mà dù có điều chỉnh nhận thức và hành vi thì cũng ngay tại đây và bây giờ chứ không phải hứa hẹn tương lai nào đòi hỏi thực hành để đạt đến.

Hỏi: Thưa Thầy, con nghe rất nhiều vị dạy Pháp, nhưng con thật sự rất tâm đắc Pháp học và Pháp hành Thầy dạy vì rất dễ ứng dụng trong cuộc sống, theo con nghĩ cách Thầy dạy giống Đức Phật là sử dụng những ngôn từ giản dị phù hợp với căn cơ chúng sanh để chỉ ra Sự Thật. Con thấy hệ thống Phật Giáo sau này sử dụng thuật ngữ, phương pháp, phương tiện nhiều quá nên làm thế nào để phân biệt phương pháp nào đúng phương pháp nào sai?

- Phương Pháp hay phương tiện cũng tốt nhưng nói chung chỉ để dành cho những người chưa thể tự mình thấy ra Sự Thật và chưa biết điều chỉnh nhận thức và hành vi. Ví như khi đứa bé chưa tự mình ăn cơm được thì cha mẹ mới chỉ cho cách ăn, cách cầm chén, cầm muỗng, cách nhai… thế nào để ăn không bị đổ. Còn khi lớn lên, bắt đầu biết nhận thức và tự trải nghiệm, chiêm nghiệm thì không nên lệ thuộc vào những phương pháp tương đối đó nữa, mà phải tuỳ cơ ứng biến cho phù hợp với mỗi tình huống trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống. Đức Phật không dạy phương pháp, Ngài chỉ tuỳ căn cơ trình độ của người nghe mà nói lên nguyên lý để họ tự thấy ra Sự Thật thôi. Như Ngài dạy Bốn Sự Thật, Tám Chánh Đạo, năm uẩn, mười hai pháp duyên sinh, các phẩm trợ đạo v.v… chứ không dạy phải theo phương pháp này, phương tiện nọ. Cũng vậy, Cha Mẹ không cần dạy phương pháp cầm muỗng như thế nào, mà chỉ dạy con nên cẩn thận khi ăn uống, để đứa bé dần tự biết điều chỉnh chính mình.
Hỏi: Thưa Thầy khi con tham Thiền trong tâm thức con những tập khí xuất hiện dồn dập thì con ngưng Thiền, nhưng con đọc một số tài liệu của những vị Thiền Sư khuyên phải cố gắng tinh tấn, phải nghĩ đến giác ngộ và dùng ý chí để vượt qua, con rất phân vân kính xin Thầy giải đáp cho con thắc mắc này?

- Cả hai thái độ ngưng thiền vì sợ phiền não và dùng ý chí để vượt qua phiền não đều không đúng. Tại con hiểu thiền theo nghĩa định tâm hay lạc trú nên khi tâm bất an thì ngưng lại không thiền nữa. Và tại vị thiền sư nào đó cho rằng thiền là vượt qua phiền não để đạt được một sự giác ngộ lý tưởng nên phải dùng tới ý chí. Đó không phải là tham thiền mà là tham lam thiền, không phải hành thiền mà hành hạ thiền. Nếu con hiểu Thiền là chỉ soi sáng để thấy ra Sự Thật ngay nơi thực tại thân thọ tâm pháp, thì khi bất an cứ soi sáng bất an thôi, sao lại phải ngưng. Mặt khác, nếu con thấy ra phiền não thật sự là gì, sự sinh diệt, sự lợi hại, nguyên nhân hậu quả của nó ra sao thì tức là đang giác ngộ, sao còn phải dùng ý chí vượt qua phiền não để ai giác ngộ và giác ngộ nữa?   
Ngồi dùng ý chí nỗ lực để loại bỏ điều này, đạt được điều kia là đáp ứng tham vọng tạo tác của bản ngã chứ không phải thiền. Thiền là chỉ soi sáng thực tại để thấy ra Sự Thật thôi, chứ không nỗ lực tạo tác gì cả. Nỗ lực tạo tác không phải là ngồi thiền mà là ngồi tạo ra luân hồi sinh tử. Thấy ra Sự Thật chính là trả Pháp lại cho sự vận hành hoàn hảo của nó, chứ không phải thể hiện ý đồ của bản ngã để muốn pháp hoàn hảo theo ý mình. Phật chỉ nói với Bāhiya trong thấy chỉ thấy trong nghe chỉ nghe chứ không có ý chí bản ngã Bāhiya nào trong đó, đơn giản vậy thôi mà Bāhiya liền chứng ngộ.

Hỏi: Trở về thực tại là hòa nhập với dòng sống đang diễn ra phải không thưa Thầy?

- Cũng đúng mà cũng sai, nên tốt nhất là đừng quan niệm gì cả. Duỗi tay, nắm tay, mở tay, đưa ta lên, để tay xuống… nhất cử nhất động đều chỉ thấy thôi, đừng chủ trương gì cả, khi thấy hết thì mọi sự sẽ vận hành đúng với trật tự tự nhiên của Pháp. Nhưng do tham vọng, không tự thấy mình, nên cố giữ cái này, cố loại cái kia mà con người thường làm hỏng trật tự tự nhiên của Pháp. Điển hình như chuyện phát triển đập thủy điện là do đáp ứng điện năng để thoả mãn người tiêu dùng vô độ, tuy mặt này có lợi nhưng mặt khác cực kỳ nguy hại. Khi lượng mưa quá lớn thì phải xả lũ và đương nhiên tạo ra hiệu ứng lũ quét, thiệt hại không nhỏ. Chưa kể nếu có chiến tranh, địch chỉ cần bắn rocket hay dội bom vào đập thủy điện thì hậu quả khó lường. Nếu văn minh là sản phẩm của tính dục (libido) như Sigmund Freud đã nói thì văn minh đáp ứng được dục vọng con người nhưng đồng thời cũng chính là kẻ huỷ diệt trái đất. Tu cũng vậy, phải chăng nỗ lực của bản ngã tự buộc mình phải ngồi thiền kiểu này kiểu kia để đạt được lý tưởng mong muốn? Hay đó cũng chỉ là sản phẩm của vô minh ái dục? Trong khi, thực ra thiền chỉ đơn giản là trở về soi sáng thực tại thân thọ tâm pháp, qua đó thấy ra bản chất thật của pháp là giác ngộ, chứ không hoà nhập mà cũng không tách rời khỏi dòng sống đang diễn ra gì cả.

Hỏi: Xin Thầy dạy con cách nào để vào Định và làm sao để xả ly hoàn toàn?

-  Muốn làm sao xả ly mà còn tìm cách nào vào định để làm gì? Không cố tìm cách nào để định, không nỗ lực làm sao để xả ly, chỉ sống trọn vẹn tỉnh thức với "thực tại đang là" (thân thọ tâm pháp) chính là định, là xả ly rồi, lại còn tìm “cách nào” và “làm sao” gì nữa? Tại sao phải cố ngồi định để xả ly? Xả ly là “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” lại còn tìm cách nào để định thì thành ra tự mâu thuẫn mà không thấy ra. Ngày xưa thầy cũng vậy, nghe nói tu cách này mau đắc, cách kia mau thành cũng ham lắm, cũng cố hành theo phương pháp này phương pháp kia, nhưng may là mỗi lần cố gắng tu luyện liền phát hiện ý đồ lăng xăng của bản ngã nên mắc cỡ (tàm, quý) mà buông, và nhờ buông ra mà ngay đó thấy ra cái thực đang là. Cứ nhắm mắt hành theo các phương pháp chế định của ông thầy nào đó mà thực ra cũng không biết chắc phương pháp ông thầy đó có đúng không. Vậy tại sao không tự quan sát lại chính mình để thấy ra đúng hay sai ngay đây để điều chỉnh.

Trà Đạo ngày 25.07.2017
HT. Viên Minh