PHÁP NGỮ 3





1. "Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan. Ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết"

Không ngôn ngữ nào diễn đạt được chân lý do đó không thể hoàn toàn y cứ vào ngôn ngữ Phật thuyết mà thấy chân lý được. Vậy y ngôn ngữ kinh điển mà cho đó là chân lý thì oan cho Chư Phật. Nhưng nếu chưa thấy chân lý mà không y lời Phật dạy thì nói gì cũng sai là phải rồi.


2. Nhận biết đâu là Ngã và đâu là Pháp


...Thường nhận biết thân tâm thì rồi con sẽ thấy ra đâu là sự vận hành của pháp và đâu là sự vận hành của cái ta ảo tưởng. Con đừng lo, điều này sẽ giúp con tự động điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi ngày càng thuận pháp hơn cho đến khi không còn thuận ngã nữa là được.

...cứ để tánh biết lặng lẽ soi chiếu một cách tự nhiên, chứ không phải ảo tưởng "tôi định tâm", "tôi quán biết", "tôi loại bỏ", "tôi đạt được"... một cách chủ quan theo khái niệm hay quan niệm nào đã quy định từ trước hoặc dự liệu về sau. Khi tánh biết thấy đối tượng tự nhiên trong sự tương giao (chỉ căn - trần - thức) thì không có người biết và đối tượng được biết, nhưng khi cái "ta biết" khởi lên thì liền có người biết và đối tượng muốn biết.


...Khi buồn thấy buồn này là của Ta thì đó chính là ngã sở
Nhưng nếu khi buồn con chỉ thấy trạng thái buồn như nó là trong nhân duyên sinh diệt của nó, thì đó thuần túy là pháp...


3. Tâm sinh diệt

Tâm sinh diệt là ám chỉ tâm sinh khởi theo tiến trình 5 uẩn hoặc 12 nhân duyên, nghĩa là tâm khởi vô minh, ái dục, tạo tác, hữu vi, hữu ngã thì mới gọi là sinh tử. Còn nếu tâm không khởi theo 5 uẩn, 12 nhân duyên tức là tâm không có vô minh, ái dục, tạo tác, vô vi, vô ngã thì không còn gọi là sinh tử nữa. Sở dĩ Niết-bàn được gọi là Diệt Đế vì Diệt là diệt cái ngã hữu vi tạo tác, mà diệt hữu vi tạo tác tức không còn sinh diệt. Đó là cái mà Đức Phật gọi là không sinh, không hữu, không tác, không thành vậy.

4. Cái được thấy chỉ ở ngay đây, trong hiện tại, như nó đang là.

Trong thiền Vipassanà thấy tức là hành chứ không phải hành là áp dụng theo một phương pháp để cố gắng làm gì với ý đồ đạt được điều mình mong muốn. Cái mong muốn luôn ở tương lai, trong khi cái được thấy chỉ ở ngay đây, trong hiện tại, như nó đang là. Thấy là phát hiện ra sự thật, thấy ra thực tánh của pháp đang vận hành tự nhiên ngay nơi thực tại thân-tâm-cảnh đúng với thời-vị-tính của nó mà thôi. Nhận ra điều này con sẽ không còn lăng xăng kiếm tìm và giải quyết theo cái ta luôn muốn khẳng định mình nữa.

...chỉ cần thấy pháp đến đi sinh diệt một cách trung thực, đừng nghĩ đúng sai, cũng đừng lấy bỏ, chỉ thấy thôi, thấy như nó đang là... tức là thiền Vipassanà, là Kiến Tánh. Con cứ thường trở về trọn vẹn trong sáng biết mình là được.

5. Nhàm Chán


Phải xem sự nhàm chán đó thuộc loại nào mới được. 
- Có những nhàm chán là đương nhiên khi con không còn hăng say với những điều vô nghĩa giữa cuộc đời. 
- Nhàm chán... là không còn nhiệt tình cả với những điều cần làm, như sống tỉnh thức hay hành động vô ngã vị tha chẳng hạn thì đó mới là giải đãi, tiêu cực và thụ động. 
Chán nản tiêu cực ... là thiếu tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác.
Một người thường trở về trọn vẹn trong sáng với thân tâm thì không bao giờ chán nản cả. 
Tóm lại con cần phải thấy rõ đâu là nhàm chán tích cực, đâu là chán nản tiêu cực mới được.


6. Giải tỏa nỗi khổ tâm về những ký ức đau buồn


Lắng nghe lại cảm xúc của con khi nó khởi lên, chỉ thấy nó thôi chứ đừng phê phán hay tìm cách xử lý gì cả. Lặng lẽ nhìn xem nó tự đến tự đi như thế nào rồi con sẽ thấy nó với một nụ cười thật nhẹ nhàng và thông cảm.


7. Nhận biết là tính chất của tâm


Nhận biết là tính chất của tâm nên còn gọi là tính biết hay tánh biết. Nhận biết có nhiều loại, điển hình như: 
1) Tưởng tri (sanjànàti) 
2) Thức tri (vijànàti) 
3) Tuệ tri (pajànàti) 
4) Thắng tri (abhijànàti) 
5) Liễu tri (anjànàti) v.v... 
Tất cả đều do Phật chỉ bày. Nhận biết thực tánh của vạn pháp như nó đang là chính là tuệ tri.


                                                  

8. Làm từ thiện

Làm từ thiện là tuỳ duyên sống vô ngã vị tha, và ngay đó biết trọn vẹn trong sáng với thân tâm là con đang sống tuỳ duyên thuận pháp. Đi chùa hay không đi chùa, làm từ thiện hay không làm từ thiện đều là tuỳ duyên chứ không phải chủ trương theo quan niệm của mình hay bất kỳ chủ trưong của ai khác. Nếu con làm theo quan niệm của mình là thuận ngã, không theo ý đồ riêng của mình mà sống đúng thời, đúng vị và đúng bản chất thực của pháp tức là thuận pháp.


9. Sự mầu nhiệm

Khi con cố gắng thoát ra điều này và nỗ lực cầu cạnh điều kia thì con không thể thấy ra sự mầu nhiệm của điều đang xảy ra như nó là. Sự mầu nhiệm chỉ có thể xảy ra khi con trọn vẹn với pháp đang là. Không manh động là giới, không phân tâm là định, không vọng tưởng là tuệ. Từ đó có nhẫn nại, nhu hoà, thương yêu, buông xả và an lạc. Thay đổi thái độ sống là thay đổi cuộc sống, còn cố gắng thay đổi cuộc sống thì thực ra chẳng thay đổi được gì. Cho nên có câu nói thật hữu lý là: "Chúng ta sinh ra không phải để thay đổi cuộc đời, mà cuộc đời sinh ra để thay đổi chúng ta". Và đó chính là sự thay đổi lớn lao nhất.


10. HỮU Ý, HỮU TẤT, HỮU CỐ, HỮU NGÃ



...Khởi ý muốn định là đã có HỮU Ý, lúc đó con cần điều kiện yên tĩnh để định nên liền rơi vào HỮU TẤT, và con duy trì nỗ lực thực hiện ý định đó tức là tự trói buộc vào HỮU CỐ, như vậy con sẽ mong sao không bị trở ngại, mong sao mau đạt định thế là sinh ra HỮU NGÃ. Bốn điều này Đức Phật gọi là HỮU, TƯỚNG, TÁC, CẦU. Khi đã muốn định, chấp vào tướng định, cố gắng để định, mong cầu được định... thì CHẮC CHẮN SINH SỢ HÃI. Nếu con may mắn có đủ điều kiện để định thì thực ra trong định đó vẫn còn sợ hãi bị mất đi nên chưa phải là chánh định. Chánh định là định vô ngã nên không muốn được mà cũng không sợ mất. Định tự đến khi tâm không loạn, khi tâm buông bỏ mọi nỗ lực để trở thành thì nó chính là đại định: Định ở mọi lúc mọi nơi và mọi điều kiện. Ở đó CHẮC CHẮN KHÔNG SỢ HÃI.

11. Chưa buông được còn nghi 

Chưa buông được còn nghi 
Buông được rồi liền thấy 
Pháp tự đến tự đi 
Khổ vì "ta" chuốc lấy! 



12. Pháp giới định tuệ tuỳ dụng


Pháp giới định tuệ tuỳ dụng này có thể ứng hoá trong mọi việc, mọi lúc, mọi nơi và đó chính là tu, vì ở đâu con cũng điều chỉnh được nhận thức và hành vi một cách tự nhiên mà không rơi vào bản ngã như những người cố ý ngồi tu theo một phương pháp cố định.


13. Phóng dật, dễ duôi, chánh niệm, chánh ức niệm


Phóng dật là bị lôi cuốn hay chạy theo ngoại cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc) hoặc nội cảnh (pháp: ý tượng, ý tưởng, khái niệm...). Dễ duôi cũng hàm nghĩa phóng dật, trong đó đặc biệt ám chỉ sự buông lung, cẩu thả, thiếu thận trọng. Chánh niệm là tâm tự tại - trọn vẹn với thực tại thân tâm, ngược lại là thất niệm (quên mình) tức tâm bất tại (lang thang ở bên ngoài). Chánh ức niệm đôi lúc dùng với nghĩa chánh niệm, đôi lúc dùng với nghĩa suy ngẫm chín chắn.


14. Cái gì đến đi nơi thân tâm ... đều là pháp

Thưa thầy! Con phải làm sao khi con quá nhiều vọng tưởng?
Trả lời:
Sao con biết đó là vọng tưởng? Khi con nói đó là vọng tưởng tức là con có ý phê phán rồi cho nên con mới muốn làm sao để xử lý nó. Đó là thái độ nhận thức và hành vi thiếu trung thực. Cái gì đến đi nơi thân tâm con đều là pháp, chỉ cần lặng lẽ lắng nghe quan sát hoặc cảm nhận nó như nó đang là thôi thì con sẽ phát hiện ra bản chất thật của pháp. Chủ yếu giác ngộ là thấy pháp chứ không phải loại bỏ pháp này tìm kiếm pháp kia theo ý mình. Nếu là chân thì nó tự chân, nếu là vọng thì tự nó là không, vậy con đâu cần xử lý. Nếu con không thấy được điều này thì tạm thời con có thể niệm Phật để tâm lắng dịu dần rồi khi tâm đã lặng lẽ trong sáng thì nó sẽ tự biết chiếu soi để thấy rõ các pháp.

15. Vô tâm

...
Đừng hiểu vô tâm - không có chủ ý tạo tác của bản ngã - là không hướng tâm hay để mặc niệm khởi. Hướng tâm chân chính gọi là như lý tác ý (yoniso manasikàra) - yếu tố cơ bản của thiền. Và khởi niệm liền thấy chứ không phải để mặc. Nếu "để mặc" hiểu theo nghĩa là chỉ thấy với tâm lặng lẽ trong sáng chứ không phê phán kiểm duyệt thì đúng, còn "để mặc" là không thận trọng chú tâm quan sát là sai. Buông là buông thái độ lăng xăng can thiệp của bản ngã, vì khi tâm không lăng xăng làm theo ý đồ chủ quan thì liền tĩnh lặng trong sáng và ngay đó có như lý tác ý trên đối tượng thân, thọ, tâm, pháp. Tất cả hoạt động này đều tự nhiên vô ngã. Trọn vẹn thấy hơi thở là niệm thân, trọn vẹn thấy niệm khởi là niệm tâm... pháp gì đến thì liền thấy tức là đã trở về chứ không có chỗ nào nhất định để trở về như trong thiền định cả.

16. Định và Tuệ

Trong định thì còn có "cột" nhưng chỉ cột được bằng tướng do tưởng sinh chứ không thể cột trên đối tượng thực tánh. Trong tuệ thì hoàn toàn không theo cũng không cột gì cả, theo không thể được mà cột lại chẳng xong. Trí tuệ như mặt trời chiếu không theo con chim bay lượn cũng không cột vào cục đá đứng yên, thế mà cái gì xuất hiện đều thấy cả. Thận trọng chú tâm quan sát là cái dụng của giới định tuệ tự ứng ra khi cần thiết rồi thôi chứ không bao giờ theo hay cột vào đâu cả. Cũng vậy, buông nhưng không có gì để buông, vì nếu con có gì để buông tức con thấy "có" rồi sao gọi là "không vô ngã" được? Đó là lý do vì sao Thiền nói: "Việc đến thì tâm ứng hiện, việc đi thì tâm rỗng rang".


17. Cách gieo duyên tốt nhất với Phật Pháp 

Phật Pháp ở nơi con, trở về thấy biết chính mình để khám phá ra lẽ thật thì không những là cách gieo duyên tốt nhất với Phật Pháp mà còn tự mình thấy ra Chánh Pháp. Nếu con còn nghi ngờ điều này thì con vẫn còn tìm kiếm chân lý ở bên ngoài, mà khi còn vọng tưởng thì bên ngoài chỉ là phản ánh vọng tưởng của con mà thôi. Khi nào trong con đã thấy ra Phật Pháp thì con mới thấy bên ngoài cũng đều là Phật Pháp, bằng không dù con có học thuộc trăm kinh, ngàn sách thì cũng chỉ là vọng tưởng mà thôi. Tâm con thế nào con chỉ nên thấy nó như vậy, đừng tìm cách lý giải vì mọi lý giải của lý trí đều là vọng. Các vị thầy của Bồ-tát, trước khi Ngài đại ngộ, tuy trình độ cao nhưng cao theo sự phát triển cái "bản ngã chứng đắc" chứ không cao theo trình độ xả ly bản ngã của ba-la-mật vì vậy vẫn còn tà kiến và tham ái, do đó vẫn còn sinh tử luân hồi trong Tam giới, nghĩa là vẫn còn bị sa đoạ vì tà kiến và tham ái ấy.

18. Rốt lại...chỉ có tánh biết thấy Pháp mà thôi

Khi buồn mà con thấy buồn này là của Ta thì đó chính là ngã sở. Nhưng nếu khi buồn con chỉ thấy trạng thái buồn như nó là trong nhân duyên sinh diệt của nó, thì đó thuần túy là pháp chứ không phải ngã sở. Và khi thấy buồn mà con có cái Ta thấy thì đó là bản ngã, còn nếu mắt tự thấy tâm tự biết thì thấy biết đó là vô ngã. Rốt lại cũng chỉ có tánh biết thấy pháp mà thôi.