PHÁP NGỮ 2



1. "bản lai diện mục lúc chưa sinh"

Tánh biết hoạt động cả khi hữu thức lẫn vô thức. Cái giây phút thấy biết trong sáng đầu tiên khi chưa khởi lên ý niệm nào của bản ngã chính là tánh biết, nhưng sau đó khái niệm của lý trí, tình cảm riêng tư xen vào làm giới hạn tầm nhìn rỗng lặng trong sáng của tánh biết mà hình thành ảo tưởng "ta thấy", "ta biết" ... Thiền nói thấy "bản lai diện mục lúc chưa sinh" chính là chỉ ra tánh biết lúc chưa bị bản ngã che lấp. Con cứ ngay nơi thực tại thân tâm mà thấy thì sẽ trực nhận ra đâu là tánh biết, đâu là vọng thức mà không cần qua kiến thức nào cả.

2. Tự tại


Đừng suy nghĩ hay đánh giá sự kiện đời sống theo một nếp nghĩ nào cả, vì chính những nếp nghĩ ấy là định kiến tạo ra phiền não làm cho tâm không thấy sự vật một cách trung thực như bản thân nó là.

3. Pháp đang là

Khi tâm bị trói buộc thì mọi thứ đều bị trói buộc, khi tâm mở ra thì mọi phẩm chất của đời sống cũng được mở ra. Tất cả pháp vốn tinh nguyên trong bản chất của nó, chỉ có ảo tưởng là méo mó mà thôi. Buông đi ảo tưởng thì pháp liền hiện ra như chân như thật không thêm không bớt...

4. Thanh tịnh thực sự.

...Chỉ đứng nhìn mà không phê phán, kiểm duyệt, giải quyết thì dần dần con sẽ thấy được sự vận hành, sự sinh diệt của các cảm giác, cảm xúc, tư tưởng,... Trong cái nhìn bất động đó thì các pháp sinh sẽ tự diệt chứ không cần cái ta can thiệp vào. Đó mới chính là thanh tịnh.

5. Trọn vẹn với cái đang là (chánh niệm)


Thiền chính là trọn vẹn với cái đang là (chánh niệm) với tâm rỗng lặng trong sáng. Chẳng có cái gì cần thiết hơn thực tại. Chỉ vì không thấy rằng ngay nơi thực tại đã có tất cả nên bản ngã mới loay hoay tìm kiếm bên ngoài. Và không có gì buồn cười hơn xem việc loay hoay đó của bản ngã là thiền!!!

6. Thường lặng lẽ soi chiếu lại chính mình.


Đừng tìm hiểu bằng lý trí mà nên khám phá bằng trực nghiệm (trải nghiệm trực tiếp) sự thật nơi thân-tâm-cảnh hay nơi thân thọ tâm pháp. Nói cho dễ hiểu là nên thường lặng lẽ soi chiếu lại chính mình. 

7. Chánh niệm tỉnh giác

Chánh niệm tỉnh giác là tâm trở về (chánh niệm) thắp sáng (tỉnh giác) thực tại đang là, dù thực tại đó là hoạt động của thân, của những cảm giác khổ lạc, cảm xúc vui buồn hay những hoạt động của nội tâm như suy tư, thương, ghét ... 

8. Tứ niệm xứ

Khi đi con tỉnh thức (tỉnh giác) trọn vẹn (chánh niệm) với diễn biến động tác đi, gọi làchánh niệm tỉnh giác trên thân;
 Khi đau đớn con tỉnh thức trọn vẹn với cảm giác đau, gọi là chánh niệm tỉnh giác trên thọ;
 Khi suy nghĩ con tỉnh thức trọn vẹn với dòng suy nghĩ, gọi là chánh niệm tỉnh giác trên tâm
Khi làm bài tập (nghĩa là một hoạt động kết hợp nhiều động tác của thân, thọ, tâm) con vẫn tỉnh thức trọn vẹn với việc làm bài, gọi là chánh niệm tỉnh giác trên pháp

9. Thất niệm bất giác.

Khi đi mà tâm lang thang bất định không biết rõ động thái đang đi; khi đau đớn thì liền lo sợ, tưởng tượng lung tung, không biết rõ trạng thái đau đang diễn biến ra sao; khi suy nghĩ về một vấn đề nghiêm túc con lại để tâm lang thang ra “ngoài luồng”, quên mất mình phải trầm tĩnh sáng suốt mà suy nghĩ ngay trên thực kiện; khi làm một bài tập con lại nghĩ đến chơi game, không trọn vẹn sáng suốt để làm bài... khi đó mới gọi là thất niệm bất giác.


10. Đoạn tận Tham ái

Đơn giản là khi tâm tham ái thì thấy tâm có tham ái, khi tâm không tham ái thấy tâm không có tham ái. Khi nào con thấy đầy đủ, rõ ràng và như thực những diễn biến sau đây thì con mới thoát khỏi được tham ái về giới tính: thấy tham ái về giới tính phát sanh, thấy sự thích thú và say mê trong đó, thấy sự nguy hiểm và khổ đau tận cùng của nó, thấy nhàm chán tâm tham ái, thấy tâm tham ái không còn sinh khởi. Như vậy con mới thật sự thoát ly được tham ái. "Đoạn tận" có nghĩa là không còn sanh khởi nữa, chứ không phải con dụng công loại trừ nó một cách chủ quan đâu. Quán bất tịnh hay thiền định chỉ để tạm thời chế ngự thôi chứ không đoạn tận được dục ái...

11. Trả Pháp lại cho Pháp

Trí tuệ không có nghĩa là thấy Pháp như thế nào mà trí tuệ là trả Pháp lại cho Pháp. Trí tuệ là không để bản ngã xen vào để có ý kiến này ý kiến kia, giải quyết kiểu này kiểu nọ đối với Pháp mà hoàn toàn trả Pháp lại cho Pháp, để tự nó vận hành. Thực ra khi trả Pháp lại cho Pháp để tự Pháp vận hành thì mình mới thực sự học được sự vận hành của Pháp. Khi học được sự vận hành của Pháp thì lúc đó mới là Minh. Chỉ có Minh mới chấm dứt được toàn bộ tiến trình của bản ngã, luân hồi sinh tử.

12. Nhị nguyên

Yêu mặt tốt ghét mặt xấu gọi là nhị nguyên. Khi nào có đủ khả năng đón nhận cả hai mặt của cuộc sống mà tâm vẫn rỗng lặng trong sáng thì mới thấy tính bất nhị của thực tánh pháp.


13. Bản Ngã


Bản ngã luôn mong cầu tốt hơn những gì đang xảy ra. Nó không cho ta cơ hội trọn vẹn với thực tại đang là. Vì vậy ta rơi vào phiền não khổ đau. Nhưng chỉ cần ta buông mọi ý đồ muốn tốt hơn, và trở về trọn vẹn với những gì đang diễn ra, ta sẽ thấy mọi sự đều vô thường, tự nhiên đến rồi đi. Tất cả đều có lý do, tùy duyên mà sinh khởi và cũng tùy duyên mà chấm dứt bất kể ta muốn hay không.

14. Thần thông

...Pháp vốn tự nhiên và tánh biết cũng tự nhiên thấy pháp.

Khi ta ảo tưởng xen vào thì nó cho là ta biết, từ đó có ý chí nỗ lực rèn luyện để trở thành "như ý của ta". Nhưng trong thực tánh tự nhiên của pháp thì một hạt giống sẽ nẩy mầm, ra lá, đâm chồi... rồi lớn lên và đương nhiên ra hoa kết trái. Cứ sống tự nhiên với tâm rỗng lặng trong sáng để thấy ra tất cả pháp thì lúc đó thần thông cũng chỉ là chuyện bình thường như ra hoa kết trái.

15. 
Thiền là thấy ra sự vận hành đúng như bản chất của pháp

Thiền là thấy ra sự vận hành đúng như bản chất của pháp nơi thực tại thân tâm, nghĩa là ngay nơi mọi hoạt động hàng ngày của con. Thận trọng chú tâm quan sát trạng thái hoạt động của thân, của cảm giác, của tâm hành, của sự tương giao thân tâm và ngoại cảnh một cách tự nhiên được đức Phật gọi là thiền Tứ Niệm Xứ. Mỗi người vốn tự nhiên đã sẵn có sự thận trọng, sự chú tâm, sự quan sát. Nếu tâm không buông lung theo sự thúc dục của cái ta ảo tưởng thì ngay đó tâm liền có tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác, và lúc đó thận trọng chính là giới, chú tâm chính là định, quan sát chính là tuệ. Vì vậy, thiền là thái độ sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành một cách tự nhiên.


16. Hiểu nghĩa (thức tri) và  thật ngộ lý (tuệ tri).

Khi hiểu nghĩa con vẫn còn sử dụng lý trí để biết pháp do đó vẫn còn biết qua khái niệm chế định. Nghĩa là vẫn còn áp dụng công thức hay phương pháp để tu. Khi nào con trực nhận pháp không qua khái niệm chế định và không qua phản ứng tạo tác thì mới thật sự thấy thực tánh pháp (lý), lúc đó mới đúng mức chánh niệm tỉnh giác hay tuệ tri. Thấy lý tức thấy thực tánh pháp (kiến tánh) thì ngay đó con đang vào sự rồi sao lại còn cố gắng "chủ động được trạng thái tỉnh thức" nào nữa? "Chủ động được trạng thái tỉnh thức" thì chưa thực sự là chánh niệm tỉnh giác một cách vô ngã, do đó chưa phải là thấy lý. Buông cái ta cố niệm thì ngay đó liền có chánh niệm tỉnh giác và cả lý lẫn sự liền xuất hiện.


17. Ngay nơi thực tại

Không nên phân biệt theo chiều hướng người theo Chánh Pháp hay không theo Chánh Pháp vì như vậy phải đặt ra nhiều tiêu chuẩn để phân biệt. Con chỉ cần biết ngay tại đây và bây giờ con có phân biệt rõ ràng hoặc thấy biết trực tiếp mình đang sống như thế nào hay không mà thôi.
Biết là do tánh biết tự nhiên sẵn có của tâm, nhưng cái ngã xen vào tự nhận là mình biết rồi từ đó góp nhặt kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, hình thành lý trí, bấy giờ cái biết phân biệt chỉ là kết luận từ kiến thức và kinh nghiệm hạn hẹp của cái ta lý trí mà thôi. Vậy nếu là tánh biết phân biệt thì đó là biết vô ngã, còn biết qua lý trí, kinh nghiệm, kiến thức thì đó là cái biết hữu ngã.


18. Thái độ và trạng thái



Chỉ thấy ý nghĩ sinh diệt mà không đánh giá, phê phán hay kiểm duyệt gì cả. Chủ yếu là con thấu rõ mọi hoạt động của thực tại thân tâm chứ không phải bám giữ sự an lành thanh thản. Tâm an lành thanh thản chỉ là một trạng thái, tâm sinh khởi cũng là một trạng thái. Sao con không để chúng như chúng là, hầu thấy rõ bản chất thật (thực tánh) của chúng một cách bình đẳng mà con lại khởi thái độ phân biệt lấy trạng thái này bỏ trạng thái kia? An hay bất an là ở thái độ chứ không phải ở trạng thái.

***

Thái độ là nhân, trạng thái là quả, thay đổi nhân thì quả mới thay đổi, đúng không? Thí dụ một học sinh lười học (thái độ nhân) nên có điểm thấp (trạng thái quả). Vậy muốn điểm cao thì thay đổi thái độ học trước hay thay đổi điểm trước? Bực bội, vui vẻ, hiền hoà... đều có thể là nhân, có thể là quả. Nếu là nhân thì đó là thái độ, nếu là quả thì đó là trạng thái. Trạng thái thì không có hành động, chỉ thái độ mới có hành động. Thay đổi thái độ tức thay đổi chủ ý của hành động, và đó mới là một hành động. 

19.  Thực Tánh và Khái niệm

Vọng tưởng chỉ khởi lên khi con mất chánh niệm tỉnh giác, và khi đó tâm không còn rỗng lặng trong sáng. Chỉ cần con trở về trọn vẹn tỉnh thức với chính mình thì vọng tưởng sẽ tự tiêu tan, và tâm lại trở về rỗng lặng trong sáng. Tâm càng rỗng lặng trong sáng thì vọng tưởng càng ít khởi sinh. Vậy con đừng suy đoán lung tung, cứ thường thận trọng chú tâm quan sát chính mình trong mọi tình huống thì tự con sẽ khám phá và tự giải được những thắc mắc của mình.
Để tự nhiên với thấy biết trong sáng (biết tu) khác xa với để tự nhiên trong tham ái si mê (chưa biết tu). Thực ra trường hợp sau không phải là tự nhiên mà là buông lung theo vô minh ái dục. Hơn nữa, thấy biết trực giác của tuệ tri (biết thực tánh) khác xa với thấy biết lý trí của tưởng tri và thức tri (biết khái niệm)

20. Quan sát

Khi tham ái khởi lên thì đó là thái độ tham ái của cái ta ảo tưởng, nhưng khi tỉnh giác có mặt thì thái độ là tỉnh giác còn tham ái đã trở thành trạng thái. Khi tham ái là thái độ thì hữu ngã, nhưng khi tham ái là trạng thái thì vẫn là vô ngã. Nếu thái độ tỉnh giác còn là "ta tỉnh giác" thì mới xem trạng thái tham ái là "ta tham ái", còn nếu thái độ tỉnh giác là tánh biết tự nhiên vô ngã thì đâu còn ái để đặt thành vấn đề trạng thái tham ái hiện diện hay không hiện diện? Đoạn tận ái dục là đoạn tận thái độ ái dục, chứ không phải đoạn tận trạng thái ái dục.
Đơn giản là trong quan sát chỉ có quan sát chứ không có người quan sát nên mới gọi là minh sát (vipassanā). Tham ái hiện diện thì thấy tham ái hiện diện, tham ái không hiện diện thì thấy tham ái không hiện diện, đó mới là minh sát. Nhưng nếu trong quan sát còn có người quan sát thì con không thấy thực tánh của tham ái như nó là mà chỉ muốn làm thế nào để vượt qua tham ái, và ý muốn vượt qua này cũng chính là thái độ tham ái. Vậy không phải vượt qua tham ái mà vượt qua người quan sát tham ái. Trong quan sát không có người quan sát thì liền thấy tham ái chính là tánh không. 

21. Pháp tánh chân như

Ngồi giữ tâm vắng lặng thì chỉ là định thôi, còn sử dụng tâm rỗng lặng trong sáng để thấy pháp là trong định có tuệ, trong tuệ có định. Định tuệ đi đôi với nhau mới thấy được pháp tánh, cho nên thầy nói với con là nếu tách hai yếu tố ra riêng để tu thì định sinh trì trệ, tuệ sinh hoài nghi, khó thấy được thực tánh pháp (sabhàva) như nó đang là (yathàbhùtà) của thực tại chân đế (paramattha sacca) mà Thiền Tông gọi là pháp tánh chân như.


Trích ghi lời dạy của Thiền Sư Viên Minh