Vì sao có 3 Quả vị Phật khác nhau?


Hỏi: Kính thưa sư ông con nghe nói Phật Thanh Văn do nghe giáo pháp mà giác ngộ, còn Phật Độc Giác chỉ tự giác ngộ chứ không giác tha như vị Phật Toàn Giác. Phải chăng trình độ giác ngộ mỗi vị khác nhau? Theo con người nào thấy ra Sự Thật cũng có thể chỉ cho người khác thấy mới đúng, phải không ạ?


- Không ai không tự mình trải nghiệm cuộc sống để thấy ra tánh tướng thể dụng của các pháp mà có thể giác ngộ được cả. Đã là Phật tức đều giác ngộ Sự Thật như nhau, đều qua Giới Định Tuệ, Bát Chánh Đạo như nhau, đều chứng ngộ Niết-bàn như nhau, đều giải thoát luân hồi sinh tử như nhau. Chỉ khác nhau ở cách giác ngộ mà thôi.

Thanh Văn Giác (Sāvaka Buddha) không phải chỉ nhờ một vị Phật khai ngộ mà bản thân các ngài cũng đã từng trải nghiệm, chiêm nghiệm bản chất vô thường, khổ, vô ngã của cuộc sống nên khi nghe một vị Phật nói lên Sự Thật thì liền chứng ngộ Thánh đế. Và vì trở về sống với thực tánh chân đế nên Phật Thanh Văn chú trọng vào Tự Tánh thanh tịnh hơn là Tướng Dụng của Pháp.

Duyên Giác hay Độc Giác (Pacceka Buddha) thì nhờ thường quan sát, học hỏi, chứng kiến hiện tượng duyên khởi sinh diệt trong đời sống, trong vạn pháp, mà qua pháp tướng tự mình giác ngộ Sự Thật. Như vậy bậc Độc Giác do duyên Pháp mà ngộ chứ không do duyên một vị Phật nào khai ngộ nên vị ấy chú trọng vào Thể và Tướng hơn là Dụng.

Phật Toàn Giác (Sammā Sambuddha) tuy đã từng nghe pháp của những vị Phật quá khứ nhưng tự mình khám phá đầy đủ tánh tướng thể dụng của Pháp mà giác ngộ một cách sáng tạo và viên mãn. Nhờ tự mình khám phá nên Phật Toàn giác không những thông suốt Thể Tánh mà còn rành rẽ cả Tướng Dụng của Pháp nữa.

Tuy ai giác ngộ cũng đều có thể chia sẻ sự thật với người khác nhưng Phật Thanh Văn và Phật Độc Giác ít quan tâm đến Đại Dụng của Pháp nên ít khả năng khai ngộ hơn Phật Toàn Giác, chứ không phải không làm được. Thí dụ ai tốt nghiệp tiến sĩ cũng có trình độ tương đương, nhưng không phải ai cũng có khả năng giảng dạy hay truyền đạt như nhau.


Trà Đạo ngày 07.01.2017
HT. Viên Minh