Chứng ngộ khác với đắc thành


Hỏi: Thưa Thầy tu tập thế nào để đắc thành Đạo Quả và làm sao để biết người đã chứng ngộ Đạo Quả?
- Đầu tiên cần hiểu đúng nghĩa từ chứng ngộ và đắc thành. Trong Phật giáo từ chứng ngộ để chỉ cho sự tuệ tri, liễu tri Đạo Quả. Còn từ đắc thành chỉ dùng trong tục đế để chỉ sự đạt được do tạo tác mà thành, như đắc các định sắc giới, vô sắc giới chẳng hạn, vì đó vẫn chỉ là tưởng tri, thức tri trong tục đế thôi.

Để có thể chứng ngộ thì không cần tu luyện như kiểu muốn đắc thành mà chỉ thường sáng suốt thấy biết thực tại thân-thọ-tâm-pháp, qua đó thấy ra những sai xấu trong nhận thức và hành vi, những che lấp (nīvaraṇa) và những trói buộc (sanyojana). Quan sát rõ ràng để thấy ra Sự Thật là chính yếu và xuyên suốt từ khi bắt đầu tu cho đến khi hoàn toàn giác ngộ, chứ không phải tu luyện để đạt thành gì cả.

Thấy biết có hai mức độ, lúc đầu thấy biết pháp chế định tục đế qua tướng biết với nhận thức của mắt tai mũi lưỡi thân và ý thức. Đó là cái biết qua tưởng tri và thức tri. Sau đó thấy biết thực tánh chân đế, vi tế và trung thực hơn, qua tánh biết trực nhận thực tại thân, thọ, tâm, pháp. Đó là cái biết của tuệ tri, liễu tri.
Trong kinh Đoạn Giảm đức Phật nói rất rõ, tu không phải là đắc tứ thiền bát định, vì trong giáo pháp của các bậc Thánh đó chỉ là hiện tại lạc trú, là hạnh sở đắc, không phải hạnh đoạn giảm. Tu hạnh đoạn giảm thì không bám trụ sở đắc mà phải thường chánh niệm tỉnh giác, sáng suốt trực nhận thực tại thân thọ tâm pháp, qua đó đoạn giảm được tham sân si, ngã mạn, tà kiến…, đoạn giảm các che lấp, đoạn giảm các trói buộc. Đó chính là đang thấy ra đâu là sự thật về khổ (khổ đế), đâu là sự thật về nguyên nhân sự khổ (tập đế).

Dấu hiệu đầu tiên là thấy ra tiến trình phản ứng tạo tác của bản ngã. Thấy ra đó chỉ là tiến trình sắc thọ tưởng hành thức (ngũ uẩn) tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức mà hình thành bản ngã chứ trên thực tế không có cái ngã nào cả, nhờ vậy thoát khỏi thân kiến (kāyadiṭṭhi) – không còn chấp ngũ uẩn là bản ngã nữa. Đồng thời thấy ra dòng pháp thực tánh chân đế nên không còn nghi ngờ gì về Sự Thật, thoát khỏi hoài nghi (vicikiccha), và vì vậy cũng không còn chấp vào hình thức bên ngoài mà thoát khỏi giới cấm thủ (sīlabbatāparāmāsa). Thấy ra mọi hình tướng bên ngoài đều là vô thường, khổ, vô ngã. Đoạn giảm như thế đức Phật gọi là chứng ngộ đạo quả Tu-đà-hoàn, bậc đã nhập vào dòng pháp thực tánh chân đế.
Mặc dù bậc Thánh Nhập Lưu (Sotapanna) vẫn sống trong đời thường như cũ ở cõi Dục Giới nhưng không còn chấp vào các pháp tướng bên ngoài nữa, vì đã thấy được thực tánh pháp, không còn nhầm lẫn giả chân, xấu tốt. Vị ấy sống với tánh biết chiếu soi chứ không lệ thuộc vào 6 căn thức cho đến khi hoàn toàn chấm dứt mọi trói buộc vi tế, chấm dứt hoàn toàn tham sân si, vô minh, ái dục là chứng quả A-la-hán. Cho nên đức Phật định nghĩa là Niết-bàn là đoạn tận tham sân si. Tức là gỡ bỏ tất cả mọi trói buộc, hoàn toàn tự do. Không còn cái “Ta” ảo tưởng vẽ vời trói buộc và dẫn dắt như bị sợi dây xõ mũi con trâu lôi đi (sanyojana) nữa mà lúc đó đã ung dung tự tại, tự do giải thoát.

Tu không phải là trèo cao mà là tuột xuống mặt đất bình thường nên không phải cố gắng leo thang như thói đời danh vọng mà phải rèn luyện để trở thành hay đạt được lý tưởng ước ao. Mở những trói buộc Đức Phật gọi là hạnh đoạn giảm cho đến đoạn tận bản ngã tham sân si chứ không phải đắc thành gì cả.

Đức Phật có ví sự tu hành như khúc cây trôi giữa dòng: “Nếu khúc cây kia không bị kẹt vào bờ bên này, không bị kẹt vào bờ bên kia, không tự bị mục nát từ bên trong, không bị chìm xuống đáy, không bị ai vớt đi thì khúc cây đó sẽ đến biển cả”. Pháp ví như dòng sông luôn trở về biển cả, chỉ cần biết sống bình thường trong trọn vẹn tỉnh thức để không bị tấp vào bờ nào, không bị chìm đắm, không tự huỷ hoại, không ham được vớt ra khỏi dòng… chính là biết sống tuỳ duyên thuận pháp (Dhamm’ānudhamma paṭipanno viharati) vì dòng Pháp không phải trôi đi đâu mà là trở về với sự tịch tịnh của chính sự sống: Niết-bàn.

Tất cả mọi nỗ lực tu luyện đều hướng đến một tương lai bất định để mong thoát khỏi dòng đời, đó không phải là bị vớt đi hay sao? Và khi hướng đến tương lai giả định thì đã rơi vào cái “không biết mà muốn” (nghĩa dễ hiểu nhất của vô minh ái dục): Bỏ hiện tại thì vướng vào sân, mong tương lai thì vướng vào tham, thế là vướng cả hai bờ. Mà mong tương lai thì phải cần thời gian nên không còn đúng với tính chất akāliko của Pháp. Còn ngồi thiền để an trú định lạc chính là chìm đắm trong đắc thành mà mắc kẹt giữa dòng chảy của Pháp. Ngược lại buông lung phóng dật thì tự huỷ hoại chính mình. Nên giải thoát không phải là thoát khỏi dòng đời mà là “không tham ưu, không vướng mắc vào bất cứ điều gì ở đời” như đức Phật đã dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ.


Trà Đạo ngày 14.01.2017
HT. Viên Minh