Kính thưa Thầy,
Con là người Phật tử chỉ mới được gặp Thầy một lần khi thầy đến Canberra. Tuy con chưa được nghe Thầy trực tiếp giảng dạy, nhưng con vẫn hàng ngày vào trang web Trung Tâm Hộ Tông để đọc bài mới và nghe pháp thoại của Thầy. Con biết Thầy vừa trở về từ Malaysia và đã có những buổi giảng thiền ở đó. Con cũng đọc được những câu hỏi của Phật tử Malaysian và những câu trả lời của Thầy bằng tiếng Anh, con rất hoan hỷ.
Thưa Thầy, càng ngày con càng hiểu rõ ràng hơn về pháp tu mà Thầy đang giảng dạy. Con rất vui mừng. Con cũng thường nghe lại những băng giảng cũ của Thầy, nhất là Thực Tại Hiện Tiền phần I, con thấy có những chỗ ngày xưa nghe chưa hiểu hết, nay thấy rõ hơn nhiều.
Kính thưa thầy,
Nói về việc ứng dụng pháp thiền Thầy dạy, con thấy rất rõ ràng đơn giản nhưng đa số Phật tử gặp khó khăn giống như con trước đây. Vì muốn mau được an lạc giải thoát, chúng con đã thử tất cả những pháp thiền nào tìm học được. Con có quen một anh bạn trước kia là một nhà sư xuất gia đã nhiều năm. Sau 1975, anh hoàn tục lập gia đình và sinh con. Sau này anh sang Úc, đi học, đỗ đạt cao và dạy đại học tại Úc. Gặp nhiều khổ đau trong cuộc sống gia đình, anh li dị và quyết tâm trở lại tu để giải thoát. Con đã gặp anh trong một khóa thiền, thấy anh có thể ngồi hàng giờ bất động. Anh nhập vào định rất thâm sâu, đạt nhiều hỷ lạc. Về kinh điển thì anh thuộc làu làu, câu nào Phật dạy nằm ở trang mấy của bộ Kinh nào anh đều nhớ rõ. Chỉ có một điều, càng tu bản ngã của anh càng lớn, bên trong của anh càng có nhiều mâu thuẫn.
Con đã giới thiệu trang web của Thầy cho anh, không biết anh đã đọc tới đâu và có nhận ra được điều gì không. Bản ngã và sở đắc hiện nay chính là trở ngại lớn nhất của anh nhưng bản thân anh không hề hay biết. Tuy nhiên pháp thiền của anh cũng không phải là vô ích, anh vừa mới trải qua một cuộc phẫu thuật ghép thận rất đau đớn. Nhờ thiền mà anh đã trú vào đó để khỏi đau và anh đã hồi phục thật tốt đẹp. Nhưng cũng chính vì vậy mà anh bị vướng kẹt hơn là giải thoát. Đó là cái khổ của người tu không gặp được duyên lành. Con đã tạo duyên cho nhiều người, con thấy người nào càng lệ thuộc vào pháp môn phương tiện (phương pháp) tu tập để mong đạt được kết quả tương lai, hoặc càng bám níu vào trạng thái sở đắc đã đạt được thì càng cứng ngắc không thể uyển chuyển để nghe pháp gì mới, và nhất là khó buông cái ngã để nhận ra pháp thiền không, vô tướng, vô tác, vô nguyện mà sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha như Thầy dạy.
Con nghe nhiều Phật tử đã hỏi trong các buổi giảng thì câu hỏi chính yếu vẫn là làm sao buông cái bản ngã lăng xăng tạo tác để thấy được pháp. Gần đây, Thầy đã làm cho vấn đề trở nên minh bạch dễ dàng hơn bằng cách chỉ rõ sự khác biệt giữa thái độ và trạng thái. Nhiều người đã bắt đầu thấy dễ dàng hơn. Thái độ mới là nhân tu tập còn trạng thái chỉ là quả phụ tùy. Lầm lẫn của nhiều người là chỉ lo nhắm đến trạng thái quả giải thoát mà quên thái độ nhân giác ngộ. Cố gắng giải thoát tức hướng đến trạng thái tương lai, mà chối bỏ thực tại nên không thấy ra thực tánh pháp ngay trong thực tại, đó chính là vô minh ái dục, phải không thưa Thầy?
Điều này làm con nhớ lại năm 1996, con đã học một khóa thiền đầu tiên ở Canberra do một vị Thượng tọa dạy. Lúc đó, đến với thiền bằng đầu óc của một nhà khoa học, con đã hỏi Thượng tọa một câu và không nhận được câu trả lời. Câu hỏi của con là, người tu muốn giải thoát là đã trói buộc vào quá trình tạo tác để trở thành, như vậy tu tức là đã tạo nên trói buộc sao?
Bây giờ, 15 năm sau, qua sự giảng giải của thầy, con đã có được câu trả lời. Phải rồi, muốn giải thoát tức là không vừa lòng với cái trói buộc hiện giờ, nhưng lại tự trói buộc vào lòng tham muốn được giải thoát ở tương lai nên càng bị kẹt vào tham sân, không biết rằng vấn đề là ở thái độ đúng, không có thái độ (nhân) giải thoát làm sao có trạng thái (quả) giải thoát? Và thái độ giải thoát đúng chính là không tham muốn trở thành, chỉ sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha.
Chỗ thấy của con hiện nay như vậy không biết có đúng với lời Thầy dạy chưa? Xin Thầy chỉ giáo thêm cho con.
Con, Thuận Minh.
Thuận Minh con,
Con là người đã từng tu tập theo nhiều pháp môn Thiền, Tịnh, Mật, nhưng may mắn không bị lệ thuộc vào phương pháp (pháp môn phương tiện), không bị dính mắc trong trạng thái sở đắc nên có thể buông được những ý đồ lăng xăng tạo tác trở thành của cái ta ảo tưởng, do vậy mới vào được cửa không, vô tướng, vô nguyện của Thiền Minh Sát Vipassanā. Thực ra, khi tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì đó chính là thái độ vô vi, vô ngã vượt thoát nhân quả:
Không bờ này bờ kiaChỉ ngay nơi thực tạiTâm, Pháp chẳng chia lìaĐến đi đều vô ngại.
Chúc mừng con!
Thầy Viên Minh.
Thư Thầy trò (26)
Tác giả: Viên Minh - Thuận Minh