Tư Tưởng Lão Tử Qua Quan Điểm Phật Học


Tác giả: Viên Minh

Mục Lục
  • Giới Thiệu
  • Lời Nói Đầu
  • Ngộ Nhận Tính Bi Quan Trong Lão Tử Đạo Đức Kinh
  • Thử Dịch Và Lý Giải Lại Chương I Lão Tử Đạo Đức Kinh

  • GIỚI THIỆU

    Chúng tôi tình cờ đọc được trong một tờ báo cũ: Tuyển Tập Văn, bài viết “NGỘ NHẬN TÍNH BI QUAN TRONG LÃO TỬ ĐẠO ĐỨC KINH” của tác giả Viên Minh. Càng đọc càng thấy thấm thía tinh thần vô vi của Lão Tử mà chúng tôi đang quan tâm tìm hiểu.
    Quả là khó mà thâm nhập được đạo lý quá uyên áo của một bậc thong dong thế ngoại như Lão Tử. Lý nghĩa trong Lão Tử Đạo Đức Kinh đã quá sâu xa, lại còn văn chương quá cô đọng gần như thi phú nên lại càng khó hiểu, khó dò. Nhưng qua sự trình bày minh bạch của tác giả bài báo, nhất là cách so sánh đối chiếu với tư tưởng Phật học, đã đưa chúng tôi đến với Lão Tử Đạo Đức Kinh dễ dàng hơn, đồng thời giúp chúng tôi giải tỏa được những nghi vấn về tư tưởng vô vi của Lão Tử.
    Chúng tôi thấy dưới hình thức một bài báo khó có thể phổ biến được ý tưởng độc đáo của tác giả một cách rộng rãi và lâu dài nên có ý muốn xuất bản thành một tập sách nhỏ dưới nhan đề: Tiểu luận về tư tưởng Lão Tử qua quan điểm Phật học.
    May mắn ý kiến của chúng tôi đã được tác giả hoan hỷ chấp thuận, không những thế, tác giả còn đưa cho chúng tôi một bài báo khác đã từng đăng trong tờ Cảo Thơm, đó là bài “THỬ DỊCH VÀ LÝ GIẢI LẠI CHƯƠNG I LÃO TỬ ĐẠO ĐỨC KINH”.
    Nhờ vậy tập tiểu luận này càng được phong phú hơn để giới thiệu đến những bạn đọc hâm mộ tinh thần vô vi của Lão Tử.
    Thành kính tri ân Hòa Thượng Viên Minh và trân trọng giới thiệu tập tiểu luận này đến quí đọc giả.

    Nhà sách Văn Thành

                                


    LỜI NÓI ĐẦU

    Năm 1992 khi Ni Viện Bửu Long được thành lập và một lớp giáo lý được mở cho Ni chúng. Ngoài những môn nội điển, Ni chúng còn được học thêm ngoại điển, trong đó có LÃO TỮ ĐẠO ĐỨC KINH, vì chúng tôi nghĩ rằng tư tưởng của Lão Tử rất gần với tư tưởng Phật học.
    Phải nói là vì giảng Lão Tử Đạo Đức Kinh cho Tăng Ni nên chúng tôi đành phải so sánh đối chiếu với Kinh điển Phật giáo như một môn học tỷ giảo, vì vậy mà Tăng Ni dễ hiểu hơn. Nếu phương pháp tỷ giảo có những ưu điểm của nó thì mặt khác đôi khi lại vô tình làm mất đi tính độc đáo và thuần túy của mỗi tư tưởng riêng biệt.
    Thực ra, những bài viết này chỉ có mục đích cung cấp tài liệu cho Ni chúng trong lớp học, về sau do đề nghị của báo Cảo Thơm nên chúng tôi đã triển khai thêm cho bài báo được phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu của đọc giả. Đó là bài “THỬ DỊCH VÀ LÝ GIẢI LẠI CHƯƠNG I LÃO TỬ ĐẠO ĐỨC KINH”.
    Sau đó tờ báo Văn lại chọn đăng một bài viết khác, đó là bài “NGỘ NHẬN TÍNH BI QUAN TRONG LÃO TỬ ĐẠO ĐỨC KINH” vì ý tưởng mới lạ trong cách dịch và giải của nó.
    Chúng tôi thật tình muốn viết nhiều bài nữa về những vấn đề then chốt nhất mà cũng dễ hiểu lầm nhất trong Lão Tử Đạo Đức Kinh, nhưng vì quá bận nhiều Phật sự khác nên cho đến nay vẫn chưa viết thêm được bài nào.
    Chân lý chỉ là một và nó không thuộc độc quyền của riêng ai, nên những bậc giác ngộ như Đức Phật , Lão Tử, Krishna hay Chúa Jesu thì đều nói đến Đạo, Pháp, Thượng Đế... Tuy dụng ngữ khác nhau nhưng chúng tôi nghĩ chỉ là “đồng xuất nhi dị danh” mà thôi. Điều này chắc chắn có nhiều vị không đồng ý, cho là vơ đủa cả nắm. Không đồng ý cũng đúng, nhưng đó là vì mỗi người quan niệm Đạo, Pháp, Thượng Đế... mỗi khác chứ không phải chân lý sai biệt. Theo chúng tôi hiểu thì có thể trình độ giác ngộ cũng như cách khải thị của mỗi vị khác nhau, nhưng chân lý thì vẫn luôn luôn là một. Vì vậy, việc tỷ giảo, so sánh, đối chiếu các tư tưởng với nhau sẽ giúp chúng ta thấy ra những điểm đồng, và chính từ những điểm cốt lõi này mà chúng ta dễ dàng tiếp cận chân lý chung nhất và phổ quát.
    Tư tưởng Lão Tử rất nhất quán nên dù chỉ viết hai bài về Lão Tử Đạo Đức Kinh nhưng trong đó cũng liên quan hầu như toàn bộ tinh hoa đạo lý của nhà Đạo Học vĩ đại này. Dẫu sao những luận điểm trong bài viết của chúng tôi không thể tránh khỏi những chủ quan thiên lệch, mong được các vị cao minh chỉ điểm.
    TĐ. Bửu Long, Mùa An Cư 2550