Thiền

- Thiền chính là trọn vẹn với cái đang là (chánh niệm) với tâm rỗng lặng trong sáng. 

- Sự thật ở khắp mọi nơi, hiển hiện ngay đây và bây giờ như nó đang là 

- Tinh tấn chánh niệm tỉnh giác chính là trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại đang là để thấy rõ thân, thọ, tâm, pháp không phải là ta, của ta hoặc tự ngã của ta.

- Cái đang là là cái tự nó như vậy, không như mình tưởng là, cho là, nghĩ là. 

- Thấy thì chỉ thấy, nghe thì chỉ nghe, xúc thì chỉ xúc, biết thì chỉ biết đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đến đi, sinh diệt như chúng đang là... chỉ có vậy thôi đừng kết luận gì cả tức là đang sống trong thực tại hiện tiền.

  - Thực tại chính là cái đang diễn ra. Cái đang là là cái tự nó như vậy, không như mình tưởng là, cho là, nghĩ là. 


- "cái đang là" không là gì cả mà cũng là tất cả. Khi trọn vẹn thì đó duy chỉ là sự sống, là pháp đang vận hành, ngoài ra chẳng là ai hay chẳng là gì cả, nên không vị kỷ mà cũng chẳng có gì là vị tha, nghĩa là sống vị tha mà không thấy mình vị tha thì đó mới thật là vô ngã vị tha


- Bài học cuộc đời thì rất nhiều thứ, nhưng thấy ra thực tại đang là vẫn là chính yếu. Khi hiểu được mình thì sẽ hiểu ra mọi chuyện trên đời. Giác ngộ không phải chỉ biết khám phá riêng mình thôi mà còn biết tất cả bản chất thật của cuộc sống - thông suốt hết mọi mặt. Vì thực ra mọi biểu hiện bên ngoài đều hiện hữu bên trong mỗi người. Nên Phật dạy khi học bên trong, khi học bên ngoài, khi học cả hai, khi không cần học gì nữa.

- Tu là quá trình chuyển hoá nhận thức và hành vi ngay nơi nó đang diễn ra. Nhận ra cái sai thì ngay đó đã có sự chuyển hoá mà không cần suy gẫm, bởi vì suy gẫm cũng chỉ quy chiếu vào kiến thức về những bảng giá trị sai đúng đã được quy định trước bởi một ý thức hệ đạo đức nào đó. Trong khi suy gẫm để quy chiếu giá trị cái đúng sai thì nó đã trở thành quá khứ, và vậy là đã bỏ mất cái đúng sai như nó đang là trong thực tại. 



-  Cốt lõi của thiền Nguyên Thủy là sống trọn vẹn tỉnh thức trong thực tại đang là chứ không phải tìm thực tại tưởng là để tiếp xúc. Ai cũng đang sống trong thực tại đang là, chỉ vì tưởng là, cho là, muốn phải là, mong sẽ là... mà tìm cầu "ảo tại" bên ngoài, do đó chỉ cần tỉnh mộng thì liền thấy ra đang sống trong thực tại, thế thôi.


- Sự hoàn hảo của cuộc sống ở ngay nơi chính sự bất toàn như nó đang là chứ không phải sự hoàn hảo lý tưởng mà con mong muốn sẽ là. Vì vậy, khi nào con chưa thấy ra sự hoàn hảo trong cái bất toàn, tức trong tâm vẫn còn cho là, phải là, sẽ là... thì còn khổ đau phiền muộn. Chỉ cần con biết trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại đang là thì mọi việc liền hanh thông và luôn luôn đổi mới. Hạnh phúc chỉ có ngay đây và bây giờ như nó đang là, chứ không bao giờ có thực trong hy vọng sẽ là. 

- Chánh niệm tỉnh giác là tâm trở về (chánh niệm) thắp sáng (tỉnh giác) thực tại đang là, dù thực tại đó là hoạt động của thân, của những cảm giác khổ lạc, cảm xúc vui buồn hay những hoạt động của nội tâm như suy tư, thương, ghét ... Ví dụ như khi đi con tỉnh thức (tỉnh giác) trọn vẹn (chánh niệm) với diễn biến động tác đi, gọi là chánh niệm tỉnh giác trên thân; khi đau đớn con tỉnh thức trọn vẹn với cảm giác đau, gọi là chánh niệm tỉnh giác trên thọ; khi suy nghĩ con tỉnh thức trọn vẹn với dòng suy nghĩ, gọi là chánh niệm tỉnh giác trên tâm; khi làm bài tập (nghĩa là một hoạt động kết hợp nhiều động tác của thân, thọ, tâm) con vẫn tỉnh thức trọn vẹn với việc làm bài, gọi là chánh niệm tỉnh giác trên pháp. Chỉ khi nào con đi mà tâm lang thang bất định không biết rõ động thái đang đi; khi đau đớn thì liền lo sợ, tưởng tượng lung tung, không biết rõ trạng thái đau đang diễn biến ra sao; khi suy nghĩ về một vấn đề nghiêm túc con lại để tâm lang thang ra “ngoài luồng”, quên mất mình phải trầm tĩnh sáng suốt mà suy nghĩ ngay trên thực kiện; khi làm một bài tập con lại nghĩ đến chơi game, không trọn vẹn sáng suốt để làm bài... khi đó mới gọi là thất niệm bất giác.


Trích HỎI ĐÁP PHẬT PHÁP trong trang web: TRUNG TÂM HỘ TÔNG