Thấy Pháp/ Tánh Không/ Khổ Đế



Thấy Pháp

Hỏi: Xin Thầy giải thích câu "Giản dị mới uyên thâm" trong bài thi kệ của Thầy.

Giản dị mới uyên thâm, chính là cốt lõi thể hiện trong lời đức Phật dạy ông Bāhiya: “Trong thấy chỉ là thấy. Trong nghe chỉ là nghe. Trong xúc chỉ là xúc. Trong biết chỉ là biết... không có cái “ta” Bāhiya nào trong đó, dù quá khứ, tương lai hay hiện tại”. Vừa nghe xong lập tức Bāhiya thấy ra cái “ta” chỉ là ảo tưởng, trong thấy biết của căn môn đối với trần cảnh chỉ có tánh biết đang biết pháp vận hành mà thôi, và ngay đó Bāhiya đã hoàn toàn giác ngộ giải thoát.

Trong Thiền Tông, cái Tâm cứ khởi lên lăng xăng gọi là "đầu thượng trước đầu" (trên đầu đội thêm đầu) hoặc "tuyết thượng gia sương" (trên tuyết còn thêm sương) tức là thêm thắt sự phân biệt khái niệm này nọ vào chỉ làm tăng phức tạp... Giản dị chính là trả pháp lại cho pháp như nó đang là, chỉ thấy pháp là pháp thôi, không thêm bớt gì cả. Có giản dị mới trọn vẹn tỉnh thức, mới thấy pháp đúng thực tánh. Đó là "giản dị mới uyên thâm" vì thấy pháp thực tánh... chính là Trí Tuệ uyên thâm - thấy như thị, như thực.

Những phương pháp tu tập chỉ là "đầu thượng trước đầu " thêm thắt vào cái đang là... Thiền là trả pháp về với thực tánh của pháp, trả tâm về với tánh biết của tâm. Đó là tâm giản dị, pháp giản dị... Nếu tâm khởi lên một ý niệm thì liền trùng trùng duyên khởi vô số ý niệm khác. Nên Ngài Assaji đã chỉ ra cho đạo sĩ Sārīputta thấy rằng: 


Các pháp sinh do nhân
Như Lai chỉ nhân ấy
Nhân diệt các pháp diệt.
Đó lời Đại Sa Môn

Nhân từ tâm sinh thì các pháp sinh, nhân từ tâm diệt thì các pháp diệt. “Các pháp sinh” chính là “thế giới tập khởi", là Tập đế, là phát sinh phiền não khổ đau. “Các pháp diệt” chính là “thế giới đoạn diệt” Diệt đế, là chấm dứt phiền não khổ đau. Cụ thể là diệt cái "ta" thêm thắt vào thực tại. Lúc đó mới chính là thấy pháp - trả pháp lại cho pháp như nó là. Chẳng có "ai" thấy pháp, chỉ tánh biết tự thấy pháp mà pháp thì vận hành tự nhiên theo nguyên lý của nó. Cho nên không cần thêm bớt gì cả, đó chính là “giản dị mới uyên thâm”.

Thường người cố tu hành thiếu mất sự giản dị để trả pháp về bản chất thật của nó, kể cả tính chất vô thường, khổ, vô ngã của các pháp hữu vi. Không phải tu là cố thấy pháp qua khái niệm vô thường, khổ, vô ngã, mà chính là trả pháp về cho tính chất vô thường, khổ, vô ngã của nó. Khi cố thấy qua khái niệm vô thường, khổ, vô ngã, là đã mất đi tính giản dị của pháp. Vì vậy, thấy càng giản dị càng sâu xa. Trí tuệ không có nghĩa là thấy pháp như thế nào mà là trả pháp lại cho thực tánh của nó. Trí tuệ không để bản ngã xen tư kiến tư dục vào giải quyết theo cách của nó mà hoàn toàn trả pháp về cho sự vận hành tự nhiên của pháp. Thấy được sự vận hành của Pháp chính là Minh. Chỉ có Minh mới chấm dứt được toàn bộ tiến trình của bản ngã luân hồi sinh tử.


Tánh Không

Hỏi: “Tánh Không” có phải là Phật Tánh hay Tánh Biết?

- Tánh Không bao trùm hết tất cả, nhưng có hai phương diện:
Tánh Không của pháp: từ khoáng vật như đất đá đến thực vật như cây cỏ đến sinh vật như loài thú, loài người... mọi thứ đều là tánh không khi không bị khái niệm xen vào.

Tánh Không của tâm: khi tâm bất sinh, đó là tánh biết, là tánh giác hay đôi lúc được gọi là Phật tánh, lúc đó các tướng biết như nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức... cũng đều không. Cái Không này mới chính là cái "Không" thật sự của giác ngộ giải thoát.

Các Pháp như nó là Thiền Tông gọi là "đương xứ tức không", đó là Tánh Không của pháp. Còn Tánh Không của Tánh Biết mới không bị khái niệm “tưởng là”, “cho là” của bản ngã che lấp... Đó là Tánh Không mà Bankei gọi là Tâm Bất Sinh. Trong tâm không còn sinh khởi ý niệm, quan niệm, khái niệm nào nữa. Tâm Không đó mới là cái không tối hậu... Nói chung Tánh Không này đối với vật lý, đối với hiện tượng tâm lý hoặc đối với tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng tức tâm không còn khái niệm thì bản chất Không vẫn giống nhau. Cho nên, người ta gọi chung cái Không của vật lý, của sinh lý, của tâm lý và cái Không của Tánh Biết là Tánh Không (Suññatā). Tóm lại về bản chất thì Tánh Không là giống nhau nhưng khi phân tích ra thì có tới 5 cái Không khác nhau:
1. Không do vô thường
2. Không do sanh diệt
3. Không do giả hợp, duyên khởi
(3 cái không này thuộc về vật lý)
4. Không của pháp như nó đang là (đương xứ tức không).
5. Không của tâm rỗng lặng trong sáng hoàn toàn (Không của tâm giác ngộ giải thoát: Suññatācetovimutti)


Đừng hiểu lầm Khổ Đế

Có 3 loại khổ:

1. Khổ tự nhiên:
Khổ tự nhiên như đói quá, no quá, nóng quá, lạnh quá v.v… thì ai sinh ra trên đời, từ Phật đến chúng sanh đều phải có. Khổ này cực kỳ quý giá, là món quà Tạo Hóa hay Pháp tặng cho mỗi người, nếu không có khổ này thì trở thành đất đá (không có cảm giác biết nóng lạnh v.v...). Cái khổ này là tự nhiên và cần thiết như bản năng sinh tồn trong đời sống giúp chúng ta biết rõ mức nguy hiểm đến mạng sống để tránh. Biết sống tức là biết trân quí giá trị cái khổ này của đời sống.

2. Khổ quả: 
Cái khổ này là hậu quả của những nhân bất thiện trong quá khứ. Khổ này biểu hiện luật nhân quả giúp mọi người thấy ra những nghiệp nhân sai lầm mà mình đã tạo tác trước đây hầu qua đó biết điều chỉnh lại nhận thức và hành vi của mình. Khổ quả mang tính giáo dục rất cao giúp mọi người tiến hoá trên đường giác ngộ giải thoát. Nếu không có khổ quả thì không ai biết được mình đã sai lầm như thế nào.

3. Khổ ảo: 
Khổ này chỉ do ảo tưởng tạo ra chứ vốn không có thật. Đây mới chính là Khổ Đế mà đức Phật nói đến trong Tứ Diệu Đế, nó còn khổ hơn cả hai loại khổ trên nên mới gọi là Khổ Đế. Khổ này có thể chấm dứt, hay đoạn tận khi không còn ảo tưởng tham sân si. Nhầm lẫn Khổ Đế với khổ tự nhiên và khổ quả là không đúng. Khổ do dục ái, hữu ái, phi hữu ái tạo ra mới hình thành khổ khổ, hoại khổ, hành khổ trong Khổ Đế. Ba loại khổ trong Khổ Đế này đều do ảo tưởng tạo ra nên gọi là khổ ảo.

Mặc dù do ảo tưởng tạo ra nhưng một khi đã hình thành kết quả thì lại trở thành khổ quả thật. Thí dụ: do tưởng tượng mà sợ ma, nhưng khi đã sợ hãi thì lại mất ăn mất ngủ. Thế nên từ khổ ảo của tâm sinh ra khổ thực trên thân mà trở thành khổ thọ. Nếu ảo tưởng biến mất thì khổ ảo cũng biến mất luôn, chỉ còn di chứng trên thân mà thôi, như nhồi máu cơ tim chẳng hạn. Ví dụ một người thấy sợi dây tưởng con rắn thì sợ hãi lo âu phát sinh nên thần kinh căng thẳng mà khổ, nhưng khi nhìn lại thấy đó chỉ là sợi dây thì toàn bộ ảo ảnh cùng với ảnh hưởng của chúng chấm dứt.

Cho nên cái khổ này là khổ có thể chấm dứt được bằng cách soi sáng thấy nó chỉ là do ảo tưởng sinh ra. Khổ Đế cần phải được hiểu đúng. Nhiều người hiểu lầm Khổ Đế là khổ tự nhiên hoặc khổ quả nên cố tu để mong thoát ra 2 loại khổ này, như vậy chẳng khác gì gỗ đá. Chỉ khi nào thấy khổ do ảo tưởng sinh ra thì lúc đó chấm dứt ảo tưởng của bản ngã, và tất nhiên cũng không còn cái Khổ Đế đó nữa. Nhưng lúc đó mới thấy cái khổ tự nhiên chính xác hơn để tránh. Thí dụ uống một chút rượu đã thấy rõ tác hại của nó ngay nên không bị nghiện ngập và tránh được bệnh tật. Hoặc khi có khổ quả thì biết nguyên nhân do mình tạo ra nên không than trách ai khác. Cho nên, chỉ chấm dứt cái khổ do ảo tưởng tạo ra mà đức Phật gọi là Khổ Đế thôi chứ không phải mong cầu thoát khỏi cái khổ tự nhiên và khổ quả. Đó là chỗ nhầm lẫn lớn trong việc tu tập. Nếu nhầm lẫn như vậy sự tu tập sẽ hướng đến hủy diệt sự thật chứ không phải hủy diệt bản ngã tạo ra ảo tưởng. 


Cũng cần phân biệt giữa nhân và quả: như cái khổ thuộc tâm vô nhân dị thục, gọi là thọ ưu nhưng vẫn là khổ quả chứ không phải tâm sân thuộc nhân tạo tác. Cái “thân" có các tri giác như thấy, nghe, ngữi, nếm, xúc giác này chính là biểu hiện của tâm vô nhân dị thục có các cảm thọ lạc, khổ, hỷ, ưu và xả nên khi tiếp xúc với 1 đối tượng nào đó, do tâm vô nhân dị thục bất thiện mà khổ ưu tự sinh chứ không phải do nhân tạo tác hiện tại. Thực ra, nếu không có tâm vô nhân dị thục thì cũng không có thân này. Ngay cả báo thân của Phật và các bậc Thánh cũng từ tâm vô nhân dị thục mà có, cho nên các Ngài vẫn có các cảm thọ khổ ưu. Nhân quả trong nghiệp báo cũng là hệ luận của nhân quả tự nhiên nên khổ quả cũng vẫn có tính chất tự nhiên, chỉ khác ở chỗ vô tình và hữu tình mà thôi.

HT Viên Minh
Trà Đạo ngày 14.07.2016