Hỏi: Bạch Thầy, Thầy giảng giúp con hiểu thêm về “Sử Dụng Tâm”. Con cảm ơn thầy ạ.
- Tâm vốn biết Pháp, bản chất của tâm (citta) là biết. Cho nên, những cụm từ thận trọng, chú tâm, quan sát, trở về, trọn vẹn, tỉnh thức, trong lành, định tĩnh, sáng suốt, rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng, tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác hay Giới Định Tuệ, Bát Chánh Đạo... đều chỉ nguyên lý sử dụng tâm. Tâm tự nó biết ứng ra khi gặp duyên. Nếu tâm tự ứng ra thấy biết thì đúng, còn nếu cố sử dụng tâm để thấy biết hay tạo tác theo ý mình thì dễ bị rơi vào chủ quan của bản ngã.
Người tu theo các phương pháp hay pháp môn phương
tiện thường đặt nặng kỹ thuật sử dụng tâm rập theo khuôn mẫu chế định sẵn do đó
chỉ làm cho tâm mất đi sự bén nhạy tự nhiên của nó, thật ra tâm vốn tự biết tuỳ
dụng một cách chính xác nếu không bị khái niệm chủ quan xen vào. Khi muốn sử
dụng tâm theo cách này hay cách khác thì rất dễ rơi vào ý đồ của bản ngã. Tâm
vốn biết pháp một cách tự nhiên, còn khi cố ý muốn biết thì cái biết đã rơi vào
khái niệm tục đế rồi.
Khi rơi vào tục đế tâm liền phân ra hai hướng: Một là thiện, hai là bất thiện. Trong tục đế dụng tâm sao cho đúng tốt là thiện, dụng tâm sai xấu là bất thiện. Trong Chân Đế tâm sẽ tự ứng ra thấy biết thực tánh một cách tự nhiên, không thể cố khởi tâm muốn biết thực tánh như thế nào được, khởi tâm liền rơi vào khái niệm tục đế làm sao thấy được chân đế! Vì vậy đức Phật không dạy sử dụng tâm theo tư kiến tư dục, chỉ dạy trở về trọn vẹn tỉnh thức (chánh niệm tỉnh giác) để thấy biết thân tâm một cách trung thực mà thôi.
Trong tâm có 2 phần là tánh biết và tướng biết. Tướng biết chỉ biết đối tượng của nó và mỗi tướng biết chỉ xuất hiện trên đối tượng của nó nên 2 tướng biết không thể biết nhau. Vì vậy, tướng biết chỉ có thể niệm thân và thọ trên thân chứ không thể niệm tâm và pháp, nhưng tánh biết thì có thể biết được tất cả tướng của tâm. Ai niệm tâm thấu đáo đều thấy rõ điều này. Khi tướng biết là tham, sân, si… sinh diệt thế nào tánh biết đều biết chúng như vậy...
Mắt tai mũi lưỡi thân ý biểu hiện thành 121 loại tướng biết. Mỗi tướng biết đều không biết nhau nhưng tánh biết biết được mọi tướng biết sinh diệt thế nào. Chỉ khi tướng biết thanh tịnh gọi là tri kiến thanh tịnh mới nhận ra tánh biết mà thôi. Còn khi tri kiến không thanh tịnh thì khó nhận ra tánh biết.
Có người đến bạch Đức Thế Tôn rằng, nếu chế ngự được tất cả ý thì sẽ không có tất cả khổ, Đức Phật dạy:
Không nên chế ngự ý,
Hoàn toàn về mọi mặt,
Chớ có chế ngự ý,
Nếu tự chủ đạt được.
Chỗ nào ác pháp khởi,
Chỗ ấy chế ngự ý.
Tâm vốn thấy Pháp và biết tự ứng một cách rất chính xác, tự nhiên và trong sáng, nhưng nhiều khi do cái ngã lại muốn tâm phải được sử dụng như thế này, thế kia mà sinh ra phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử.
Niệm Tâm
Hỏi: Thưa Thầy, con có nghe
một trường phái niệm Tâm dạy rằng, khi Tâm mình khởi một ý niệm, một cảm xúc
hay bất cứ một điều gì thì cần tìm hiểu động cơ của việc phát xuất đó. Nhưng
con không biết tác dụng của việc tìm hiểu mỗi ý niệm như vậy thì có rơi vào lập
trình tư tưởng không thưa Thầy?
Thật ra, niệm tâm tức là tâm như thế nào chỉ cần trọn vẹn tỉnh thức biết tâm như vậy. Từ sự thấy biết đó mọi vi tế như sự sinh diệt, nguyên nhân, hậu quả, vị ngọt, sự nguy hại sẽ tự trình hiện, không cần dụng ý tìm kiếm theo lập trình của khái niệm. Cứ quan sát một cách tự nhiên, vô tâm (không cố ý) thì sẽ thấy ra mọi sự một cách vi tế mà không cần nỗ lực tìm kiếm. Khởi tâm tìm kiếm là đã có thái độ chủ quan sai lạc, tìm kiếm đối tượng đã được khái niệm hoá lại càng sai hơn, làm sao thấy được sự thật như nó đang là.
Khi tâm trong sáng tự nhiên thấy ra sự thật chứ không
phải cố tìm, tức do chánh niệm tỉnh giác trong sáng vừa đủ bỗng nhiên bật ra
soi rõ mọi sự, nên mới gọi là hoát nhiên, bất chợt. Như Tỳ kheo ni Paṭācārā
thấy nước rửa chân chảy xuống liền giác ngộ, Ngài Ānanda buông mọi nỗ lực, nằm
xuống nghỉ thì bỗng chứng quả A-la-hán.
Thấy biết tự nhiên là tri kiến, còn muốn biết chỉ tạo sở tri, có những pháp tu cứ muốn biết, muốn được nên càng tu càng tham lam thêm mà thôi. Giới Định Tuệ chính là bình tâm mà thấy, bình tâm chính là không có ý đồ gì cả, trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe… thì còn tìm kiếm này nọ làm gì! Tìm kiếm chỉ làm cho tâm mệt mỏi căng thẳng và sự mệt mỏi căng thẳng đó làm mất sự bén nhạy, nhu nhuyến, uyển chuyển vốn có của tâm để rồi trở nên khô cứng.
Tâm là bén nhạy nhất, không có cái gì nhanh hơn tâm, môi trường tâm vô cùng rộng lớn, có thể bao trùm cả vũ trụ. Vì chấp vào cái thấy, cái nghe, khái niệm, quan niệm này kia mới mất đi tính vô hạn đó. Khi buông ra mọi kiến thức giới hạn của kinh nghiệm căn trần thì tâm liền nhanh như chớp, vì nó không còn bị giới hạn bởi thời gian không gian nữa, có thể đồng thời chu biến khắp mọi nơi, nên tâm đức Phật có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới.
Ý đồ tích cực, miên mật, tìm kiếm, theo dõi, ghi nhận để chứng ngộ chân đế là cực kỳ sai lầm. Nỗ lực thực hiện những ý đồ tích cực đó chỉ đúng trong tục đế mà thôi, như tập thể dục, học lái xe, khám chữa bệnh v.v... thì được. Còn trong chân đế không có tích cực miên mật gì cả chỉ ngay đó mà thấy, cứ để bình thường sẽ thấy, nếu cố tích cực miên mật là mất liền. Cho nên để thấy Sự Thật thì không cần tích cực, miên mật, tìm kiếm, theo dõi, ghi nhận gì cả mà chỉ cần nghiêm túc, nhiệt tâm thì mới có thể trọn vẹn tỉnh thức nơi thực tại được.
HT. Viên Minh