SÁNG TẠO
Hỏi: Thưa Thầy, có người nói phút giây sáng tạo là trở về chính mình và người sáng tạo trong sự tỉnh thức đó cũng chính là Thượng Đế. Xin Thầy hoan hỷ giải thích, con xin thành kính tri ân Thầy!
- Khi trở về trọn vẹn với chính mình (thực tại thân thọ tâm pháp) tức trọn vẹn với Pháp. Pháp luôn mới mẻ nên khi sống thuận Pháp chính là sống sáng tạo. Sống hoàn toàn trọn vẹn với Pháp, vô vi, vô ngã gọi là Như Lai. Như Lai chính là Người Sáng Tạo mà Thiên Chúa giáo gọi là Thượng Đế. Sáng tạo không phải là sáng chế điều gì khác lạ với thiên nhiên do lý trí, do tưởng tượng của bản ngã chế tác, mà đó là sống trọn vẹn với sự vận hành luôn mới mẻ của Pháp.
“Sống tuỳ thuận Pháp” (Dhamm’ānudhamma paṭipanno viharati) của đức Phật, “Thuận Thiên lập mệnh” của Khổng Tử, “Đạo pháp Tự Nhiên” của Lão Tử và “Vâng ý Cha” của Chúa Jesus chính là sống sáng tạo. Như vậy sống sáng tạo là sống trọn vẹn với thực tại hiện tiền (actuality, sandiṭṭhiko) chứ không phải rập khuôn theo một mẫu mực định sẵn nào của bất cứ ai.
Áp dụng kinh điển để tu tập không phải là sáng tạo, nhưng thấy ra sự thật mà kinh điển mô tả và sống với sự thật đó thì mới gọi là sáng tạo. Thí dụ một thiền sư chế định ra một phương pháp hành thiền dựa theo kinh Phật thì vẫn là sáng chế chứ không phải sáng tạo, nhưng một thiền sinh sống trọn vẹn tỉnh thức với thực tại hiện tiền thì chính là đang sống nhịp sống đầy sáng tạo.
Y kinh mà hành thì vẫn chỉ là bắt chước thánh nhân chứ chưa phải sống thuận Pháp, không có sự sáng tạo nào. Như người đóng vai vua dù nhập vai đến đâu cũng không phải là vua thật. Khi đạo sĩ Sāriputta hỏi ngài Assaji “Thầy của ngài là ai? Dạy gì?”, ngài Assaji không y kinh Chuyển Pháp Luân mà thuật lại, ngài chỉ thẳng vào tâm trạng Sāriputta mà nói lên sự thật nên Sāriputta liền ngay đó chứng ngộ. Sáng tạo là như thế.
Hỏi: Kính thưa sư ông trong mối quan hệ bạn bè làm sao nhận ra được sự thật khi một trong hai người có sự thay đổi xấu đi do hoàn cảnh. Lúc đó con nên nhận ra sự thật là người đó thay đổi hay tâm con lúc đó nghĩ người đó không còn tốt ạ?
- Cuộc sống vốn luôn thay đổi, thay đổi là bình thường, thay đổi nên mọi sự luôn mới mẻ và sáng tạo. Khi sống theo quan niệm hay chủ kiến nào đó thì đã tự giới hạn mình trong khuôn định của chính mình và hậu quả là khổ đau vì không đủ linh động để chuyển hoá thích nghi với định luật vô thường. Cho nên, tâm càng rỗng lặng trong sáng càng dễ sống tuỳ duyên thuận pháp hơn là xác lập một định hướng chủ quan trong mối quan hệ.
Trong bất cứ mối quan hệ nào không thể có sự đồng nhất tuyệt đối như mong muốn. Dù cho là bạn tri kỷ thì cũng chỉ đồng điệu trên một vài lãnh vực nào thôi, không thể đồng điệu tất cả mọi mặt. Vì vậy phải chấp nhận sự bất đồng. Bất đồng chưa chắc đã xấu, ngược lại nó có thể bổ túc cho nhau hoặc đối chiếu với nhau để thấy ra cái mới.
Hơn nữa mỗi người có một hoàn cảnh buộc phải có sự thay đổi và có thể thay đổi theo hướng ngược lại với khuôn mẫu hay quan niệm sống trước đây, nhưng đừng vì thế mà vội kết luận là xấu. Vấn đề không phải là thay đổi hướng nào mà là học được điều gì trong hướng đó cho sự giác ngộ bản chất chính mình và đời sống.
Như vậy trong tình bạn tốt nhất là cảm thông và tôn trọng sự thay đổi của mỗi người mà không vội lên án hay kết luận điều gì. Thí dụ người giác ngộ có thể sống “không đạo đức” theo quan niệm người đời, nhưng trong chân đế thì họ hoàn toàn đúng, như Tế Điên Tăng hay Tuệ Trung Thượng Sĩ chẳng hạn.
Đạo đức thật là chân đế thì rất khó thấy, chỉ người giác ngộ mới sống hoàn toàn trung thực không lệ thuộc vào quan niệm đạo đức ở đời. Ngược lại sống đúng quan niệm đạo đức dân gian hoặc rập khuôn kinh điển có khi chỉ là đạo đức giả mà thôi! Đó là những điều hết sức vi tế cho nên thấy bạn thay đổi chỉ biết có thay đổi, đừng vội kết luận xấu hay tốt gì cả.
CÁCH NGHE PHÁP
Hỏi: Kính thưa sư ông, con thấy trong quá trình học hỏi, lắng nghe, những điều được tiếp nhận rất dễ trở thành phương pháp. Vậy làm sao trong quá trình lắng nghe chúng con có thể học hỏi mà không biến những lời dạy của sư ông thành phương pháp để áp dụng ạ? Con cảm tạ và thành kính đảnh lễ sư ông ạ!
- Có 2 cách nghe Pháp: Nghe mà liền ngay đó thấy sự thật và nghe mà chỉ nắm bắt ngôn từ ngữ nghĩa để hình thành tư tưởng, quan niệm. Tại sao có người nghe liền giác ngộ, lại có người nghe hiểu hết mà vẫn không giác ngộ? Người nghe liền giác ngộ vì không cần nghe Phật nói gì mà thấy ra điều Phật muốn chỉ, ngược lại người nghe mải lo ghi nhớ Phật nói gì nên không thấy ra sự kiện thật Phật nói đến. Thí dụ thầy nói “đây là ly nước” thì điều quan trọng là thấy ra ly nước chứ không phải nắm bắt lời nói của thầy. Phải trực nhận sự thật đang là hay cái hiện thực ngay đây (actuality hay reality here and now) mà đức Phật gọi là sandiṭṭhiko, chứ không phải lo phân tích từng từ: đây… là… ly… nước… mà không thấy ly nước thật sự ở đâu. Chính vì khi nghe chỉ để ý đến ngôn từ mà không thấy sự thật mới sinh ra chú giải rắc rối, rồi chế định phương pháp phức tạp làm cho sự thật biến thành lý tưởng ảo, tự đánh lừa mình và đánh lừa người khác!
Cho nên khi nghe pháp cứ chỉ nghe thôi, chỗ nào thấy thì thấy ngay chỗ nào không thấy đừng cố tìm hiểu bởi vì tìm hiểu là đem lý trí, kiến thức cũ kỹ để hòng qua ngôn từ đã biết định nghĩa cái chưa biết thì không thể nào thấy được sự thật. Có thể hôm nay nghe không hiểu, không nhớ gì cả, nhưng đến khi trải nghiệm sự thật bỗng dưng thấy ra rõ ràng không qua ngôn từ ngữ nghĩa gì cả.
THOÁT KHỎI NGŨ UẨN (THÂN KIẾN)
Hỏi: Con xin kính chào sư, hiện tại còn đang thực hành thiền Vipassanā trong cuộc sống hàng ngày, và đem lại rất nhiều lợi lạc, con muốn thực hành thêm thiền chỉ vào 2 buổi ngồi thiền của con. Con xin Sư chỉ cho con đề mục ánh sáng.
Xin Sư trình bày chi tiết giúp con về cách làm sao bỏ được Thân Kiến một cách rốt ráo trên con đường giải thoát vì con muốn tu thêm thiền chỉ là để củng cố định tốt hơn cho thiền Vipassanā ạ! Con xin chân thành cảm ơn Sư!
- Tu thiền định không những không củng cố mà còn trở ngại cho Thiền Vipassanā nếu đó là định hữu vi hữu ngã. Khi con cố gắng tập trung tâm để đắc định là đã hữu vi hữu ngã rồi. Trong 10 phiền não chướng cho thiền tuệ hầu hết là do thiền định này gây ra.
Thực ra không cần phải hành thiền định riêng, vì trong thiền Vipassanā đã có đầy đủ giới định tuệ rồi. Định luôn đi kèm với tuệ mà chỉ cần vừa đủ để tâm cân bằng trên đối tượng chứ không cần nhiều hơn.
Thí dụ khi đi chỉ cần tâm trọn vẹn sáng suốt với động thái đi thì trong đó trọn vẹn là định và sáng suốt là tuệ. Nếu định (tập trung) quá mức cần thiết một chút là hỏng, định tuệ chỉ vừa đủ và quân bình mới được.
Ví như thủ môn bắt một quả bóng, cần động tác của thân chính xác, cần thái độ bình tĩnh chú tâm và cần thấy biết rõ ràng minh bạch mới bắt bóng thành công. Động tác chính xác là giới, bình tĩnh chú tâm là định và thấy rõ ràng minh bạch là tuệ.
Ba yếu tố đó phải đồng nhất không thể tách rời cũng không thể mất cân bằng được. Tuy nhiên ba yếu tố ứng ra một cách tự nhiên ngoài sự tính toán chủ quan. Tính toán chủ quan có thể phá vỡ sự quân bình cần thiết vốn tự nhiên sẵn có.
Hàng ngày thường tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì giới định tự phát huy một cách quân bình và chính xác. Hôm nào làm việc quá sức, tiêu hao năng lượng thì chỉ cần ngồi hay nằm thư giãn buông xả cho thân tâm hoàn toàn nghỉ ngơi vô sự, rỗng lặng trong sáng thì định tự đến mà không cần cố gắng tập trung gì cả. Đó mới là chánh định vô vi vô ngã, còn tất cả định do nỗ lực tập trung đều hữu vi hữu ngã, không phải chánh định.
HỮU THỨC HÓA VÔ THỨC
Hỏi: Kính thưa sư ông ý nghĩa của việc lấy tiềm thức lên trên bề mặt ý thức là sao ạ?
- “Lấy tiềm thức lên trên bề mặt ý thức” là cố nhớ lại quá khứ làm cho nó sống động trở lại với mục đích nào đó, như khi ngồi “phản tỉnh” theo hướng “nhàn trung kiểm điểm bình sinh sự, tĩnh lý tư lương nhật sở vi” của các nhà Nho là kiểm điểm, suy xét lại những việc đã qua xem đúng sai thế nào để tu chính. Điều này hơi giống với “hữu thức hoá vô thức” trong Phân Tâm Học (PTH) nhưng khác ở chỗ PTH giải mã những khuynh hướng xung động vô thức hiện khởi, như giải mã giấc chiêm bao chẳng hạn, nhằm mục đích làm sáng tỏ những điều ẩn khuất trong bóng tối của tiềm thức để thấu hiểu tình trạng hiện tại của tâm thức, thường được sử dụng trong liệu pháp trị bệnh. Cả hai phương pháp này đều có ích trên phương diện tục đế, giải quyết được một số những vấn đề tâm lý đạo đức cá nhân trong đời sống cộng đồng xã hội.
Thiền Phật giáo với chánh niệm tỉnh giác hay trọn vẹn tỉnh thức ngay nơi thực tại đang là, không cố gắng lấy tiềm thức lên bề mặt ý thức hoặc nỗ lực hữu thức hoá vô thức mà chỉ sáng suốt trực nhận mọi hoạt động của ý thức cũng như vô thức khi chúng hiện khởi, qua đó chỉ thấy sự thật bản chất của chúng mà không tham ưu hay lấy bỏ.
Trong sinh hoạt hàng ngày khi ý thức bận rộn làm việc với những đối tượng của nó, nó không nhận ra những khuynh hướng xung động ngấm ngầm thúc đẩy đàng sau, nên đôi lúc tưởng là đang ý thức nhưng trên thực tế bị vô thức sai sử mà không hay. Đến khi ngồi thiền mới thấy các tập khí khởi lên, chỉ cần nhận diện được các tập khí ấy để không bị chúng sai sử là được.
Cả 3 cách nói trên đều có mục đích chung là khám phá kho chứa của tiềm thức giúp thấy rõ chính mình hơn nên nếu có thể phối hợp với nhau được càng tốt.
BẤT KHẢ TƯ NGHÌ CỦA PHÁP
Hỏi: Bạch Thầy, khi con ở trong vô sự thì trở về trọn vẹn với thực tại được, còn khi hữu sự mà con gặp khó khăn không giải quyết được thì con lại nghe tiếng nói của Thầy hoặc hình ảnh của Thầy hiện ra trong tâm mà con không hiểu tại sao kỳ lạ thật Thầy ạ, xin Thầy chỉ dạy điều này có sao không Thầy?
- Nhiều khi có một sự kết nối kỳ diệu nào đó của pháp. Cách đây khoảng 40 năm có người muốn hiểu một câu kinh mà không sao hiểu nổi, người ấy có tâm nguyện làm sao hiểu cho bằng được thì 3 đêm liền đều chiêm bao thấy thầy giảng câu kinh ấy, nhưng người ấy chưa bao giờ gặp thầy. Không biết pháp vận hành thế nào mà người đó tìm gặp thầy đúng lúc thầy đang giảng câu kinh ấy nên vô cùng kinh ngạc. Quan trọng là con thấy pháp, sống thuận pháp, còn những chuyện mầu nhiệm để pháp lo.