PHÁP NGỮ 12




- Đối mặt với sự cô đơn là một thử thách lớn trên đường giác ngộ giải thoát. 
Về phương diện tâm lý, khi còn lệ thuộc vào người khác thì vẫn chưa thực sự tự do, chưa thong dong tự tại được, nên Phật dạy không nương tựa, không bám víu vào bất kỳ điều gì ở đời...  Nietzches xem sự giác ngộ như con lạc đà buông hết mọi chở mang để trở thành sư tử một mình giữa sa mạc cuộc đời, từ đó mới trở thành trẻ thơ, rỗng lặng trong sáng hoàn toàn được. Khi biết trở về trọn vẹn với chính mình bạn sẽ thấy sự cô đơn thật mầu nhiệm biết bao!


- Hướng đúng mà đức Phật chỉ rõ là “xả ly, ly tham, đoạn diệt”cái thế giới tương đối do duyên sinh hoặc tưởng sinh ấy để trở về với tánh biết thanh tịnh trong sáng thì mới có thể “an tịnh, chánh trí, giác ngộ Niết-bàn”. An tịnh, chánh trí là đức tính thanh tịnh và trong sáng vốn có trong tâm mỗi người mà Đức Phật gọi là Tâm Sáng Chói (Pabhassara Citta)



- Khi đi là trọn vẹn tỉnh thức biết rõ đang đi. Cũng vậy biết mình trong mọi hành động, trong mọi cảm giác, cảm xúc, trong mọi trạng thái hoặc thái độ nội tâm, trong mọi sự tương giao hoặc mối quan hệ với pháp. Biết lúc nào cần thận trọng chú tâm quan sát, lúc nào chỉ cần trở về trọn vẹn tỉnh thức. Lúc nào đối pháp tâm vẫn trong lành định tĩnh sang suốt, lúc nào buông ra để tâm trở về với bản chất rỗng lặng trong sáng nơi chính nó. Đó là tất cả giới định tuệ tự tánh có sẵn, sẽ ứng ra tùy mọi trường hợp. Cho nên khi pháp đến thì tâm tự ứng, khi pháp đi thì tâm trở về rỗng lặng như hư không.
Cụ thể như bây giờ nghe chuông báo đến giờ ăn sáng, hết giờ trà đạo, thì Thầy nhìn xuống xem dép ở đâu, đưa chân xuống, mang dép vào, đứng dậy đi… mỗi mỗi đều rõ rang là tu chứ có tu gì nghiêm trọng quá đâu! Chỉ cần nghiêm túc, không cần nghiêm trọng.


- "Không ai hạnh phúc hơn người thấm nhuần được đạo lý, lấy đạo vị làm niềm vui giữa cuộc đời đầy gian khổ này. Thấy ra sự khổ và nguyên nhân của nó chính là giác ngộ giải thoát...
Hãy tự tin, trong bạn có sẵn tánh giác là viên ngọc quý vô giá, không có bất cứ điều xấu xa tội lỗi nào có thể làm ô nhiễm được nó, ngược lại, chính nhờ những va chạm đầy nghiệt ngã giữa cuộc đời mới giúp con biết quay về chính mình để thấy ra nguồn hạnh phúc vô tận ấy. Hãy cảm ơn Pháp đã ban cho bạn những đắng cay trần thế để bạn biết trở về nguồn đạo nhiệm mầu."


- Khi định mà tâm không trụ, khi động mà tâm không loạn, tùy duyên mà ứng nhưng vẫn rỗng lặng trong sáng, tự tại hồn nhiên mới thực là chánh định. 

- TÁNH BIẾT có thể quan sát bản ngã tham, sân, si để THẤY sự sinh diệt của nó như thế nào mà vẫn không sinh diệt, không bị nhiễm tham sân si của bản ngã nên TÁNH THẤY vẫn giác ngộ giải thoát. Nếu tu mà thấy bản ngã tăng tức là do lấy bản ngã mà tu chứ không để cho TÁNH THẤY soi chiếu bản ngã. Đó là lý do vì sao trong Mangala Sutta đức Phật dạy: "Khi xúc chạm việc đời, tâm không động không sầu, tự tại và vô nghiễm, là phúc lành cao thượng". 



- Luân hồi sinh tử không phải là sinh từ kiếp này qua kiếp khác, vì không sinh từ kiếp này qua kiếp khác làm sao học ra được bài học giác ngộ giải thoát. Bị trói buộc trong những hồi tưởng quá khứ gọi là luân hồi, bị trói buộc trong những ảo vọng tương lai gọi là sinh tử. Khi bạn thấy ra được sự sai lầm này gọi là giác ngộ, khi không còn bị những sai lầm này trói buộc gọi là giải thoát.

- Tâm có suy nghĩ thì thấy tâm có suy nghĩ, không theo cũng không bỏ, thì mới thấy được tướng sinh diệt của nó. Vấn đề không phải ở nhắm mắt hay mở mắt, điều đó tùy vào mỗi người, mà vấn đề là có thấy hay không thấy những dòng suy nghĩ sinh diệt như thế nào. Thấy sự sinh diệt mới giác ngộ được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của thân tâm và cảnh 

- Vẻ đẹp của cuộc sống không phải chỉ là lương thiện, mà là thấy ra cả hai mặt thiện ác của cõi trần gian. Lương thiện và an bình thôi chưa đủ, vì sự vận hành của pháp không phải chỉ có sinh mà cũng cần có khắc. Khi con thấy ra hai mặt của cuộc sống thì tâm con thanh tịnh, và khi thanh tịnh con thấy tất cả đều là vẻ đẹp kỳ diệu của cõi Ta-bà này.


- Đừng quá đặt nặng phương diện đạo đức - thiện ác - mà quên rằng đó chỉ là những "chất liệu" để con giác ngộ. Dù cuộc đời diễn ra thế nào thì bạn vẫn lấy đó làm bài học để giác ngộ ra Sự Thật nơi tự thân và cuộc sống, chứ không phải để hoàn thiện theo một kiểu mẫu lý tưởng nào. Không có đạo đức hoàn hảo trong đời sống tương đối, chỉ khi trong đời sống tương đối mà giác ngộ ra cái tuyệt đối thì đạo đức mới thật sự hoàn hảo. Vì vậy, chỉ cần giác ngộ Sự Thật, không cần trở thành cái "ta" hoàn hảo.

- Trong cuộc đời vô thường đừng cố gắng tìm kiếm sự vĩnh hằng (thường), cũng đừng nỗ lực tìm hiểu hiện tượng biến đổi diễn ra như thế nào, mà chỉ nên nhìn lại thái độ nội tâm khi đối diện với tất cả những biến đổi vô thường ấy. Thái độ đúng là pháp biến đổi như thế nào thì chỉ thấy là như vậy chứ không cho là, phải là, sẽ là. Mọi chuyện đến đi đều thấy là pháp tự nhiên vô ngã. Đó mới chính là chứng ngộ được thực tính vô thường. 

- Cái sai lớn nhất của người tu hành là muốn nỗ lực để tạo ra cứu cánh hoặc muốn sở hữu cái mình cho là đúng, là tốt, là lý tưởng cao siêu nhất, không biết rằng tâm mình vốn thanh tịnh trong sáng mà cứ mải mê hướng ngoại tìm cầu. Đó là tu tập không đúng hướng, mà đã không đúng hướng thì phương tiện càng thiện xảo càng xa rời thực tại chân như.


Trích ghi lời dạy của Thiền Sư Viên Minh