I. Thiền định trong Phật Giáo Nguyên Thủy

I.1) ĐỊNH NGHĨA: Thiền định (samādhi) hay thiền chỉ (samatha bhāvanā)  có mục đích chế ngự 5 chướng ngại của định gọi là triền cái (nīvaraṇa) và làm cho tâm an trú, thuộc ba chi định phần trong Bát Thánh Đạo (Aṭṭhaṅgik’ ariya magga) tương ứng với ba mức độ định khác nhau:
a) Chánh tinh tấn (sammā vāyāmo): An trú nhờ cố gắng giữ nhất tâm trên đối tượng sơ tướng (parikamma nimitta) và thô tướng (uggha nimitta). An trú này gọi là chuẩn bị định (parikamma samādhi).
b) Chánh niệm (sammā sati): An trú nhờ duy trì nhất tâm trên đối tượng quang tướng (paṭibhāga nimitta). An trú này gọi là cận hành định (upacāra samādhi) hay tịnh thuộc dục giới định.
c) Chánh định (sammā samādhi): An trú nhờ nhất tâm bất động trên đối tượng quang tướng (paṭibhāga nimitta). An trú này được gọi là an chỉ định (appanā samādhi) hay định sắc giới và định vô sắc giới.
Sơ tướng: là hiện vật được tạo ra hay có sẵn trong thiên nhiên được hành giả dùng làm đối tượng thiền định. Ví dụ như một hình tròn màu xanh (được tạo ra) hay ngọn lá xanh (thiên nhiên) mà hành giả dùng để tập chú với mục đích định tâm.
Thô tướng: sau khi tập chú với tưởng đủ mạnh để sao chép sơ tướng thành hình ảnh tương tự bên trong gọi là thô tướng hay tợ tướng, bấy giờ hành giả tạm thời bỏ sơ tướng bên ngoài để tập chú vào thô tướng bên trong.
Quang tướng: nếu chú tâm trên thô tướng đúng mức tướng này sẽ phát ra ánh sáng nên được gọi là quang tướng. Quang tướng là sắc do tưởng sinh, vì vậy, thiền lấy sắc tưởng này làm đối tượng để đạt được an chỉ định được gọi là thiền sắc giới hay thiền hữu sắc.
I.2) ĐỐI TƯỢNG thiền định (kammaṭṭhāna): Có 40 đối tượng làm công án hay đề mục thiền định:
1) 10 đề mục hình tròn (kasiṇa): Đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, ánh sáng, hư không.
2) 10 đề mục tùy niệm (anussati): Phật, Pháp, Tăng, giới, thí, thiên, sự chết, 32 thể trược, tịch tịnh, hơi thở.
3) 10 đề mục tử thi bất tịnh (asubha): Tử thi mới chết, tử thi bầm tím, tử thi chảy máu, tử thi chảy mủ, tử thi bị đâm thủng, tử thi có giòi, tử thi bị chặt đứt đoạn, tử thi bị cắn xé, tử thi rời rạc, tử thi chỉ còn xương.
4) 4 đề mục tâm vô lượng (appamaññā): Tâm từ vô lượng, tâm bi vô lượng, tâm hỷ vô lượng và tâm xả vô lượng.
5) 1 đề mục quán vật thực bất tịnh.
6) 1 đề mục phân tích tứ đại: Đất, nước, lửa, gió.
7) 4 đề mục thiền vô sắc:
- “Hư không là vô biên” (ākāso ananto): tưởng không này làm đối tượng của thiền hư không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana).
 - “Thức là vô biên” (viññāṇaṃ anantaṃ): tưởng không này làm đối tượng của thiền thức vô biên xứ (viññāṇānañcāyatana).
- “Vô sở hữu” hay “không có gì cả” (natthi kiñci): tưởng không này làm đối tượng của thiền vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana).
- “Vắng lặng, vi tế” (santaṃ, paṇitaṃ): tưởng không này làm đối tượng của thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññānāsaññāyatana).
I.3) TÁNH ĐỊNH HÀNH GIẢ (carita): Hành giả hành thiền định có 6 loại tánh:
1) Tánh tham (rāga): hay tánh ái là tánh nặng về tham ái, thường ham thích, mê đắm, dính mắc trong các đối tượng dục giới khả ái, khả hỷ như sắc, thanh, hương, vị, xúc. Người có tánh tham nên hành 10 đề mục tử thi bất tịnh, 1 đề mục về 32 thể trược, vì những đề mục này có thể chế ngự được lòng tham ái, nhưng không nên hành 4 đề mục vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả và 4 đề mục xanh, vàng, đỏ, trắng vì những đề mục này dễ sinh tham ái.
2) Tánh sân (dosa): là tánh nặng về sân hận, thường biểu hiện trạng thái bất mãn, trái ý, không vừa lòng, nóng nảy, căng thẳng, bực bội… Người có tánh sân nên hành 4 đề mục vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả và 4 đề mục xanh, vàng, đỏ, trắng vì những đề mục này làm cho tâm dễ lắng dịu, nhưng không nên hành 10 đề mục tử thi bất tịnh, 1 đề mục về 32 thể trược vì những đề mục này dễ làm cho tâm chán nản bực bội thêm.
3) Tánh si (moha): là tánh nặng về si mê, thường thiếu sáng suốt, không tỉnh táo, hay thụ động, mê muội nên dễ bị hôn trầm thụy miên. Người có tánh si nên hành đề mục hơi thở để dễ tỉnh táo, trong sáng và linh hoạt hơn, nhưng không nên niệm sự chết, niệm tịch tịnh, quán vật thực bất tịnh, phân tích tứ đại vì những đề mục này quá phức tạp đối với tâm tánh này.
4) Tánh tầm (vitakka): là tánh nặng về suy nghĩ, tìm tòi nên tâm luôn lăng xăng với những suy luận, phê phán, đánh giá... và dễ dàng trở nên trạo hối bất an. Người có tánh tầm cũng giống như tánh si thích hợp với đề mục hơi thở. Không hợp với niệm sự chết, niệm tịch tịnh, quán vật thực bất tịnh và phân tích tứ đại.
5) Tánh tín (saddhā): là tánh nặng về tin tưởng, thường cung kính, ngưỡng mộ, dễ nghe, dễ dạy. Người có tánh tín nên hành 6 đề mục tùy niệm: Niệm Phật, Pháp, Tăng, giới, thí, thiên vì nhờ tin nơi những đức tính cao thượng này mà tâm dễ ổn định.
6) Tánh giác (buddhi): là tánh sáng suốt, tỉnh thức nên tâm ít vọng động, thường trong sáng, bén nhạy, vi tế. Người có tánh giác hợp với niệm sự chết, niệm tịch tịnh, quán vật thực bất tịnh, phân tích tứ đại vì sự trong sáng, bén nhạy và vi tế của tâm hành giả có tánh giác dễ an trú trong các đề mục vi tế này.
Cả 6 tánh đều hợp với 6 đề mục kasiṇa: Đất, nước, lửa, gió, ánh sáng và hư không.
I.4) ĐỀ MỤC THIỀN ĐỊNH và ĐỊNH CHỨNG:
1) 10 đề mục chỉ chứng cận định: 8 đề mục tùy niệm: Phật, Pháp, Tăng, giới, thí, thiên, sự chết, tịch tịnh và 2 đề mục: quán vật thực bất tịnh, phân tích tứ đại chỉ giúp hành giả đạt được cận định vì những đề mục này còn tư duy và ngôn ngữ không thể vào sơ thiền.
2) 11 đề mục chỉ chứng sơ thiền: 10 đề mục tử thi, 1 đề mục 32 thể trược chỉ giúp hành giả đạt được sơ thiền, không thể sâu hơn vì những đề mục này đòi hỏi phải duy trì tầm và tứ. Khi không còn tầm tứ mới vào được nhị thiền.
3) 3 đề mục chỉ chứng đến đệ tam thiền: 3 đề mục từ, bi và hỷ chỉ giúp hành giả chứng từ sơ thiền đến tam thiền thôi vì đến tứ thiền thì đã có xả thay thế.
4) 1 đề mục chỉ chứng tứ thiền: đề mục xả chỉ giúp hành giả đạt được tứ thiền vì ở tứ thiền xả mới thật sự xuất hiện mạnh mẽ. Thực ra ở các bậc thiền khác đều có xả nhưng chưa đủ mạnh.
5) 11 đề mục chứng tất cả thiền sắc giới: 10 đề mục kasiṇa, 1 đề mục hơi thở có thể giúp hành giả chứng được từ sơ thiền đến tứ thiền sắc giới vì những đề mục này rất cụ thể, rõ ràng và ổn định hơn các đề mục khác nên không đòi hỏi phải tin tưởng hay suy luận gì cả nhờ vậy tâm dễ chuyên nhất hơn.
6) 4 đề mục chứng 4 bậc thiền vô sắc tương đương: sau khi đã đạt được đệ tứ thiền hữu sắc hành giả sử dụng 4 đề mục tưởng không làm đối tượng để chứng đắc 4 thiền vô sắc.
- Đề mục “hư không là vô biên” chỉ giúp hành giả chứng không vô biên xứ thiền.
- Đề mục “thức là vô biên” chỉ giúp hành giả chứng thức vô biên xứ thiền.
- Đề mục “không có gì cả” chỉ giúp hành giả chứng vô sở hữu xứ thiền.
- Đề mục “vắng lặng, vi tế”  chỉ giúp hành giả chứng phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền.
I.5) NĂM TRIỀN CÁI (Nīvaraṇa):  Năm pháp  này làm trở ngại và che lấp tâm định nên còn gọi là pháp chướng ngại:
1) Tham dục (kāmacchanda): tâm sở tham dục có trạng thái ưa thích, đam mê, ham muốn, dính mắc trong ngũ dục làm cho tâm phân tán khó tập trung. Quá ham muốn đắc định cũng là một trở ngại cho tâm định.
2) Sân hận (byāpāda): tâm sở sân có trạng thái bất mãn, bất bình, không hài lòng hay đối kháng với cảnh chướng ngại trong quá khứ hoặc nôn nóng muốn thoát khỏi nghịch cảnh, muốn khử trừ điều kiện bất như ý trong hiện tại v.v... làm cho tâm nóng nảy, khó hoan hỷ, an vui trong đề mục thiền định.
Ví dụ như khi đang cố gắng chú tâm trên đề mục thiền bỗng nghe tiếng nhạc, nếu vì ưa thích mà tâm bị phân tán đó là tham dục triền cái, nếu cố chống lại tiếng nhạc mà tâm không chuyên chú được đó là sân hận triền cái.
3) Hôn trầm - thụy miên (thīna – middha): tâm sở hôn trầm có trạng thái lười chán, buông xuôi, không hăng hái; tâm sở thụy miên có trạng thái giãi đãi, trì trệ, ngái ngủ. Hai tâm sở này đồng một tính chất ươn hèn, nhu nhược và thụ động khiến cho tâm không thể chú hướng vào đề mục thiền định được.
4) Trạo – hối (uddhacca – kukkucca): tâm sở trạo cử có trạng thái phóng tâm, suy nghĩ vẩn vơ, nhất là về tương lai; tâm sở hối quá có trạng thái nóng nảy, ray rứt, hối tiếc về những sai lầm hay tội lỗi đã làm trong quá khứ (tránh lầm lẫn với trạng thái ăn năn, hối cải thuộc tâm thiện). Hai tâm sở này đồng một tính chất tháo động, bồn chồn, bất an khiến cho tâm không an lạc trên đề mục thiền định.
Ví dụ như khi đang cố gắng chú tâm được vài giây thì tâm đã trượt khỏi đề mục, nếu do lười chán hay giãi đãi mà không an lạc đó là triền cái hôn trầm thụy miên, nếu do suy nghĩ vẩn vơ hay hối tiếc bứt rứt mà không an ổn thì đó là triền cái trạo hối.
5) Nghi (vicikicchā): tâm sở nghi có trạng thái lưỡng lự, phân vân, do dự, bất quyết. Tâm sở này làm cho tâm không đứng vững được trên đề mục thiền định.
Hôn trầm thụy miên là tâm sở có trạng thái thụ động, thiếu tinh tấn cho nên có mặt trong các tâm hữu trợ (sasaṇkhārika). Trạo hối và nghi  là tâm sở có trạng thái dao động, làm cho tâm không sáng suốt cho nên thay nhau có mặt trong hai tâm si.
I.6) NĂM THIỀN CHI (Jhānaṇga): năm tâm sở này là thành tố của các tâm thiền sắc giới giúp chế ngự năm triền cái:
1) Tầm (vitakka): là tâm sở có phận sự đánh thức tâm chú hướng đến đề mục thiền định, giống như con bướm tìm thấy một bông hoa và hăng hái bay về huớng đó. Nhưng nếu tâm cứ bỏ rơi đối tượng do trầm trệ, giãi đãi, giống như con bướm chưa tới được cành hoa đã lười biếng bỏ cuộc, tức là tầm chưa đủ tinh cần nỗ lực để vượt qua trạng thái buông xuôi tiêu cực. Do vậy khi tầm có đủ lực nhất hướng đến đối tượng thì hôn trầm thụy miên bị chế ngự.
2) Tứ (vicāra): là tâm sở có phận sự giữ tâm đứng vững trên đề mục thiền định, giống như khi con bướm đã bay đến đóa hoa liền tìm cách giữ thăng bằng để đậu lại trên đóa hoa đó. Nhưng nếu tâm chưa đứng yên trên đối tượng do còn lưỡng lự bất quyết, giống như con bướm tuy đã đậu xuống mà vẫn chưa bám chắc lại hẳn nên còn chớp chớp đôi cánh chực bay, tức là tứ chưa vững để dừng lại trên đề mục. Nhưng khi tứ đã vững thì không còn trạng thái phân vân do dự của nghi.
3) Hỷ (pīti): là tâm sở có trạng thái phấn chấn, hoan hỷ, sảng khoái trên đề mục thiền định, như cảm thấy toàn thân rởn ốc (khuddakā), chớp sáng (khaṇikā), sóng đưa (okkanti), lâng lâng bay bổng (ubbega), mát lạnh (pharaṇa), giống như khi con bướm đang hứng thú thưởng thức mật hoa. Nhưng nếu tâm chưa phát sinh hỷ do còn căng thẳng hay cố gắng quá mức, giống như con bướm chưa hút được mật nên chưa vừa ý. Khi tâm đã tìm thấy sự thích thú hoan hỷ trên đề mục thiền định thì sân mới được chế ngự.
4) Lạc (sukha): là tâm sở có trạng thái bình yên, an ổn và thỏa mãn trên đề mục thiền định, giống như con bướm đã hút mật đầy đủ, không còn bồn chồn lo lắng hay tìm kiếm lăng xăng nữa, vì thế lạc chế ngự được trạo hối.
5) Nhất tâm (ekaggatā): hay định là trạng thái an chỉ, bất động trên đề mục, giống như con bướm đã no đủ nằm yên ngơi nghỉ trên đóa hoa, không ham muốn gì nữa, nhờ vậy tham dục được chế ngự.
I.7) CÁC BẬC THIỀN và CÁC CHI THIỀN:
1) Sơ thiền: Đầu tiên, hành giả chọn một trong 40 đề mục thiền định nói trên, rồi sau khi ngồi thoải mái với thân thư giãn, tâm buông xả, vị ấy tinh tấn hướng tâm tiếp cận đối tượng, không quá cố gắng, cũng không lơ là, chỉ cần vừa đủ để tâm vượt qua trạng thái hôn trầm thụy miên, không còn lười biếng giãi đãi thì có thể chú hướng vững vàng về phía đối tượng ấy, đó là trạng thái tầm. Khi đã không còn luời biếng bỏ rơi đối tượng, tâm bắt đầu tìm cách áp sát trên đối tượng, tâm hành giả đã lấy lại được thăng bằng, không nghi hoặc, không phân vân do dự nữa, đó là trạng thái tứ. Nhờ tâm thăng bằng, không nghi hoặc đã cảm giác được sự vui thích, hứng thú trên đối tượng, không còn bực bội, chán nản hay sân hận nữa, đó là trạng thái hỷ. Sự hoan hỷ, phấn khởi này lắng dịu dần, để lại một sự bình an, tĩnh lặng, không còn một gợn sóng của dao động bất an, đó là trạng thái lạc của thiền. Đến đây tâm đã có thể an trú, tĩnh chỉ, nhất tâm và hoàn toàn quân bình (xả), không còn khởi lên một tham muốn nào đối với ngũ dục. Đó là trạng thái nhất tâm hay an chỉ định. Với những trải nghiệm trên, hành giả đã chứng sơ thiền sắc giới, tâm vị ấy có đủ năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Sơ thiền được Đức Phật mô tả là trạng thái “ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú thiền thứ nhất, trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm có tứ”.
2) Nhị thiền: Khi hành giả đã thuần thục trong sơ thiền, có thể nhập xuất dễ dàng, nếu vị ấy không quá thỏa thích đến nỗi bám víu trong thiền chứng này, thì hoặc là vị ấy cố gắng từ bỏ tầm và tứ vì thấy chúng còn thô, hoặc do tâm định tiến triển hành giả tự động vượt qua hai chi thiền này một cách dễ dàng để vào tâm thiền thứ hai. Nhị thiền chỉ còn lại ba chi: hỷ, lạc, nhất tâm, được Đức Phật mô tả là trạng thái “diệt tầm tứ, chứng trú thiền thứ hai, trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm”.
3) Tam thiền: Cũng trong chiều hướng phát triển tốt của tâm định, hành giả thấy hỷ vẫn còn thô, chưa hoàn toàn an tĩnh nên đã cố gắng vượt qua, hoặc tâm định đủ sâu để vào thẳng trạng thái an lạc vi tế của tâm thiền thứ ba, không cần qua tầm, tứ và hỷ chỉ còn lại hai chi thiền: lạc, nhất tâm, được Đức Phật mô tả là trạng thái “ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng trú thiền thứ ba”.
4) Tứ thiền: Khi định sâu hơn nữa, vi tế hơn nữa, thì ngay cả an lạc cũng được vượt qua, tâm hành giả có thể đi thẳng vào định không cần qua tầm, tứ, hỷ, lạc, chỉ còn chi thiền nhất tâm. Vì nhất tâm ở đây kiên cố hơn nhất tâm trong các bậc thiền trước nên tâm hoàn toàn bất động, hoàn toàn vô cảm đối với thế giới bên ngoài, vì vậy trong tâm tứ thiền có yếu tố xả luôn xuất hiện bên cạnh nhất tâm, và cũng vì vậy tứ thiền được Đức Phật mô tả là trạng thái “xả lạc khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh”.
5) Bốn thiền vô sắc: tuy có đối tượng và bậc thiền khác nhau nhưng tâm vẫn có hai chi thiền giống như tứ thiền hữu sắc là nhất tâm và xả.
I.8) TIẾN TRÌNH TÂM NHẬP ĐỊNH (Jhāna samapatti vīthi): Khi hành giả đã nắm bắt được đề mục sơ tướng (parikkamma nimitta) bên ngoài trở thành thô tướng (uggha nimitta) trong tâm, vị ấy chuyên chú hơn nữa trên thô tướng này cho đến khi quang tướng (paṭibhāga nimitta) khởi lên, nếu chú tâm đúng mức vào quang tướng này vị ấy có thể đắc định, bấy giờ một tiến trình tâm nhập định sẽ diễn ra như sau:
1) Hữu phần (bhavaṅga): trạng thái tiềm ẩn và thụ động của tâm trôi qua khi đối tượng quang tướng vừa mới xuất hiện. Kế đó là hai tâm sát-na hữu phần:
2) Hữu phần rung động (bhavaṅgacalana)
3) Hữu phần dừng lại (bhavaṅgupaccheda)
Đến đây lộ trình tâm mới thật sự khởi lên:
4) Ý môn hướng tâm (manodvāravajjana): qua 3 sát-na của giai đoạn hữu phần, ý môn hướng tâm khởi lên nắm giữ đối tượng quang tướng.
5) Chuẩn bị (parikamma): nếu việc nắm giữ đối tượng vững vàng thì định chuẩn bị (parikamma samādhi) phát sinh.
6) Cận hành (upacāra): tiếp theo tâm hành giả đạt đến một trạng thái yên lặng gọi là định cận hành (upacāra samādhi). Vì định cận hành không vững chắc, còn thuộc tâm dục giới, nên đến đây nếu tâm hành giả yếu thì chỉ giữ được một thời gian ngắn rồi mất, không vào được định an chỉ.
7) Thuận thứ (anuloma): nếu tâm hành giả đủ mạnh thì sau trạng thái định cận hành tâm sẽ tự động chuyển vào định an chỉ (appanā samādhi) thông qua hai giai đoạn sau:
8) Chuyển tánh (gotrabhū): trước khi hoàn toàn an chỉ tâm phải chuyển từ trạng thái dục giới qua sắc giới thì mới hoàn toàn định được.
9) Thiền tâm (Jhānacitta): đến đây tâm đã hoàn toàn an chỉ theo các bậc thiền sắc giới mà hành giả chứng được, như sơ thiền, nhị thiền, tam thiền hay tứ thiền. Thời gian an trú trong định này lâu hay mau tùy vào sự thuần thục và sức nguyện của hành giả. (Xem I.9)
10) Hữu phần (bhavaṅga): sau đó tâm lại trở về trạng thái hữu phần, chấm dứt một tiến trình tâm nhập định.
I.9) NĂM PHÁP THUẦN THỤC (vasī): Khi một hành giả đã đắc định nếu không thuần thục thì không thể nhập xuất định như ý muốn. Để có thể giữ trạng thái định trong một thời gian như ý nguyện thì hành giả phải hành 5 pháp sau đây cho đến khi thuần thục:
1) Hướng tâm thuần thục (āvajjana vasī): ý môn hướng tâm thuần thục trong việc nắm bắt quang tướng (paṭibhāga nimitta). Một người đã thuần thục thì ý môn hướng tâm có thể nắm bắt đề mục quang tướng bất cứ lúc nào vị ấy hành thiền định.
2) Nhập định thuần thục (samāpajjana vasī): khả năng nhập định ngay lập tức một cách dễ dàng không trở ngại. Khi đã thuần thục ở giai đoạn này, ngay sau khi ý môn hướng tâm vừa nắm bắt đối tượng thì hành giả có thể nhập định ngay không chậm trễ.
3) Nguyện nhập thuần thục (adhiṭṭhāna vasī): nguyện thời gian nhập định chính xác. Khi đã thuần thục trong nguyện nhập, hành giả có thể nhập định trong 1 giờ, 1 ngày hay 7 ngày v.v... tùy theo ý muốn.
4) Nguyện xuất thuần thục (vuṭṭhāna vasī): nguyện thời gian xuất định chính xác. Nguyện nhập và nguyện xuất thường đi đôi với nhau. Nếu muốn, trước khi nhập định vị ấy nguyện rõ thời gian xả định. Ví dụ, vị ấy nhập định lúc 7 giờ tối, có ý muốn xả vào lúc 7 giờ sáng hôm sau thì chỉ cần nguyện là được.
5) Hồi quán thuần thục (paccavekkhaṇa vasī): tốc hành tâm quan sát lại các chi thiền đã chứng một cách nhuần nhuyễn. Sự thuần thục trong việc hồi quán này rất quan trọng vì nhờ đó hành giả biết rõ mình đã chứng đến bậc thiền nào, có bao nhiêu thiền chi, nếu không rất dễ nhầm lẫn mình đã đắc những bậc thiền mà thật ra là chưa đắc hoặc ngược lại.
I.10) TỨ NHƯ Ý TÚC (iddhipāda): Khi hành giả đã đạt được tứ thiền hữu sắc một cách thuần thục thì có thể sử dụng tứ như ý túc (hay tứ thần túc) để phát triển thần thông.
1) Dục như ý túc (chand’ iddhipāda): trước tiên hành giả phải có nguyện vọng đạt đến một loại thần thông nào đó, chẳng hạn như biến hoá thần thông, thiên nhãn thông v.v... Nguyện vọng phải tha thiết vì thiện ích cho mình và người thì mới thực sự là dục như ý túc chân chính.
2) Cần như ý túc (viriy’ iddhipāda): sau đó vị ấy phải chuyên cần, nỗ lực thực hiện nguyện vọng chính đáng của mình. Có nguyện vọng thiết tha nhưng thiếu tinh cần đúng mức thì cũng trở thành vô nghĩa. Nỗ lực quá đáng vì tham vọng quá sức mình cũng chỉ phí công vô ích, nếu không nói là chuốc lấy tai họa vào thân.
3) Tâm như ý túc (citt’ iddhipāda): nhưng tinh cần phải đúng chỗ nghĩa là chỉ giúp cho tâm chuyên nhất một ý tưởng trước sau như một. Ví dụ vị ấy muốn đất thành nước thì phải nhất tâm nghĩ đất là “nước… nước…nước…” không thay đổi cho đến khi ý tưởng đó trở thành hiện thực. Chính vì vậy, nếu chưa đắc tứ thiền một cách thuần thục thì chớ vội luyện thần thông. Nhiều người thiếu kiên nhẫn, nhưng mong muốn sớm có thần lực đã phải tập trung tâm để cầu tha lưc hỗ trợ, họ có thể đạt được một số pháp thuật vay mượn nhưng đó không phải là tâm như ý túc chân chính.
4) Thẩm như ý túc (vimaṃsā iddhipāda): tuy nhiên nếu vị ấy không đủ trí để thẩm sát vấn đề một cách rành rẽ, tường tận thì cũng không thể đạt được thần thông. Ví như người muốn làm một cái bánh, tuy có cố gắng, có quyết tâm nhưng không biết cách làm bánh thì chỉ hao tổn công sức mà vẫn không có được bánh ngon.
Thực ra, bốn điều như ý này rất cần trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Khi làm một việc gì, dù đơn giản nhất, trước tiên chúng ta cũng phải khởi ý muốn làm việc đó (dục như ý), nhưng muốn làm mà không có một chút cố gắng nào thì làm sao thực hiện được, nên nỗ lực, hăng hái (cần như ý) là điều kiện không thể thiếu. Tuy nhiên có cố gắng mà không chuyên chú nhất tâm (tâm như ý) thì vẫn chuốc lấy thất bại. Sau cùng, cho dù đã chuyên nhất mà không hiểu biết, không rành rẽ công việc một cách chu đáo (thẩm như ý) thì khó mà hoàn thành công việc một cách như ý. Vì vậy pháp này được gọi là bốn điều kiện để hoàn thành mọi việc một cách như ý.
I.11) NGŨ THÔNG & THẮNG TRÍ (abhiññā): Thần thông là loại hình khoa học tâm linh đạt được nhờ một sức mạnh nội tâm gọi là thắng trí, trí tuệ siêu việt này phát sinh từ thiền định ở mức độ cao. Hành giả sau khi đạt được tứ thiền, đã có những pháp thuần thục, đã tu tập bốn điều kiện như ý một cách đầy đủ, có thể đạt được năm loại thần thông sau đây:
1) Thần túc thông (iddhividha abhiññā): hay biến hoá thần thông là khả năng biến một thân thành nhiều thân, tàng hình, độn thổ, bay trên hư không, tự hóa mình hay hóa người khác ra thành một vật nào đó như ý muốn v.v...
2) Thiên nhãn thông (dibba cakkhu abhiññā): hay thần nhãn là khả năng thấy xa, thấy xuyên qua tường, thấy dưới lòng đất (khác với thiên nhãn minh là thấy rõ nhân quả nghiệp báo luân hồi sinh tử của chúng sinh). Một số người tự nhiên có khả năng này mà không hề trải qua quá trình tu tập thiền định, nhưng đó là nhờ vào tha lực bên ngoài chứ không phải là thiên nhãn thông thật sự.
3) Thiên nhĩ thông (dibba sota abhiññā): là khả năng nghe được tiếng nói từ xa, tiếng nói của chư thiên hay những loài khác. Trường hợp một số người thỉnh thoảng nghe tiếng ai đó báo trước một sự việc sẽ xảy ra, hoặc có cảm giác như nghe được nội dung câu chuyện luận bàn của người khác từ xa thì đó có thể là do tha lực, nhưng phần lớn là do bệnh hoang tưởng chứ không phải thiên nhĩ thông.
4) Túc mạng thông (pubbe nivāsānussati abhiññā): khả năng nhờ thiền định mà nhớ lại một số kiếp trước của mình hay của người khác. Lúc còn bé, một số người có thể nhớ lại kiếp trước của mình nhưng khi lớn lên lại quên hết không nhớ gì cả. Đó là sự tái hiện một số thông tin về tiền kiếp từ kho vô thức (bhavaṅga) lúc tâm trí chưa bị những thông tin mới phủ kín, chứ không phải là túc mạng thông có từ thiền định.
5) Tha tâm thông (paracitta vijānana abhiññā): khả năng đọc được tâm tư, ý nghĩ của người khác. Trong một số trường hợp còn được gọi là ký thuyết thần thông vì qua sự biểu hiện bên ngoài của một người mà đọc được tư tưởng của người ấy. Nhưng nếu căn cứ vào nhân tướng mà đoán được vận mệnh của một người thì không phải là tha tâm thông.
Chúng ta cần lưu ý: thần thông khác với pháp thuật. Thần thông do trình độ định tâm cao (từ tứ thiền trở lên) và phát triển đúng hướng bằng tự lực mà đạt được. Còn pháp thuật phần lớn đạt được bằng cách cầu viện đến tha lực và không cần phải đạt đến tứ thiền, đôi lúc chỉ cần niềm tin hay cận định là đủ.
I.12) LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH:
1) An lạc hiện tại: hành giả đã thuần thục trong việc nhập và xuất định có thể nguyện nhập bậc định mà mình đã chứng để hưởng sự an lạc ngay trong hiện tại, tạm thời thoát khỏi sự quấy rầy của ngoại cảnh nên gọi là hiện tại lạc trú (diṭṭhadhamma sukha vihàrati).
2) Có thể chứng ngũ thông: hành giả đạt được tứ thiền hữu sắc một cách thuần thục có thể sử dụng tứ như ý túc để phát triển thần thông và chứng được năm loại thần thông như đã nói trên. Về phương diện giác ngộ giải thoát thì không cần đến ngũ thông, nhưng nếu biết dùng làm phương tiện lợi lạc quần sinh thì thần thông cũng trở thành đại dụng.
3) Làm nền tảng cho thiền tuệ: hành giả có chứng đắc định ở bất kỳ bậc thiền nào, sau khi xả định, tâm còn an ổn trong sáng có thể hành thiền tuệ một cách dễ dàng. Nhiều người có thể đạt được tuệ giác một cách tự nhiên nhờ tâm đã thuần thục trong định tĩnh sáng suốt và đầy đủ các hạnh balamật. Mặt khác hành giả cũng có thể lấy ngay tâm thiền hoặc thiền chi đang chứng làm đối tượng thiền tuệ, như niệm thân là sắc ý căn, niệm thọ là hỷ và lạc, niệm tâm như “nội tâm có định tuệ tri tâm có định”, niệm pháp như khinh an, định, xả giác chi v.v...
4) Các bậc Thánh có thể nhập thánh quả định: hành giả đã chứng đắc định ở bất kỳ bậc thiền hữu sắc hay vô sắc nào sau đó đắc một trong các quả Thánh thì vị ấy có thể nhập thánh quả định tương ứng để thể nhập tự tại Niết-bàn trong Thánh quả định đó.
5) Bậc Anahàm trở lên có thể nhập diệt thọ tưởng định: khi hành giả đã chứng đắc đến bậc thiền vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ định và đã chứng quả Anahàm trở lên có thể nhập diệt thọ tưởng định, nghĩa là trong thời gian nhập định này các tâm, tâm sở, sắc pháp do tâm sinh bị diệt, chỉ còn lại sắc pháp do nghiệp, thời tiết, vật thực sinh mà thôi. Đây là một loại định đặc biệt hoàn toàn vắng lặng và bất khả xâm phạm của các bậc thánh từ Anahàm trở lên mới có được.
6) Quả báu trong kiếp sau: nếu hành giả đắc định nhưng chưa đắc quả Alahán thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh lên các cõi trời sắc giới hoặc vô sắc giới đặc biệt tương ứng với bậc thiền mà mình đã chứng để hưởng quả định:
6a) Sắc giới thiền:
- Sơ thiền bậc hạ: Phạm chúng thiên
- Sơ thiền bậc trung: Phạm phụ thiên
- Sơ thiền bậc thượng : Đại phạm thiên
- Nhị thiền bậc hạ: Thiểu quang thiên
- Nhị thiền bậc trung: Vô lượng quang thiên
- Nhị thiền bậc thượng: Quang âm thiên
- Tam thiền bậc hạ: Thiểu tịnh thiên
- Tam thiền bậc trung: Vô lượng tịnh thiên
- Tam thiền bậc thượng: Biến tịnh thiên
- Tứ thiền của phàm phu: Vô tưởng thiên
- Tứ thiền của bậc Nhập Lưu và bậc Nhất Lai: Quảng quả thiên
- Tứ thiền của bậc Bất Lai: Phước Sinh Thiên
+ Tín Bất Lai: Vô phiền thiên
+ Tấn Bất Lai: Vô nhiệt thiên
+ Niệm Bất Lai: Thiện hiện thiên
+ Định Bất Lai: Thiện kiến thiên
+ Tuệ Bất Lai: Sắc cứu cánh thiên
6b) Vô sắc giới thiền:
- Đệ nhất thiền : Không vô biên xứ thiên
- Đệ nhị thiền: Thức vô biên xứ thiên
- Đệ tam thiền: Vô sở hữu xứ thiên
- Đệ tứ thiền : Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên. 
Phật Giáo Nguyên Thủy không xem thiền định là cứu cánh hay mục đích cuối cùng vì định chỉ có thể chế ngự các triền cái, giúp ổn định tâm như đá đè cỏ chứ không đoạn tận phiền não khổ đau, không chấm dứt luân hồi sinh tử. Dù vậy định vẫn được chấp nhận như yếu tố hỗ trợ cho tiến trình Giới, Định, Tuệ đưa đến Đạo, Quả, Niết-bàn, vì vậy, định có mặt trong nhiều pháp môn phẩm trợ đạo: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo. Định cũng trở thành đại dụng trong những điều lợi ích đã kể trên.
Tóm lại, thiền định, ở một mức độ nào đó, là rất cần thiết, không thể bỏ qua, nhưng chưa phải là yếu tố rốt ráo, nên chưa đủ để thành tựu cứu cánh giác ngộ giải thoát.                                                                         
                                                                                                                                            Tiếp theo