Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu.
Nếu vậy chỉ tìm bạn giỏi để chơi mà bỏ mặc những người kém hơn mình xung quanh thì có đúng không thưa Thầy?
- Trước hết cần khắc cốt ghi tâm rằng không phải lời dạy nào của Phật cũng đúng cho mọi trường hợp, vì đức Phật chỉ đối cơ mà dạy cho trường hợp đặc thù nhất định nào đó thôi. Nếu hiểu lầm lời Phật mà áp dụng lung tung thì chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia” oan cho Phật lắm. Thí dụ hôm kia thầy ăn món canh nói với người nấu bếp là “canh này chua quá” thì chỉ đúng với thời điểm đó, canh đó, người nấu đó thôi. Bây giờ nếu cứ gặp canh nào cũng bắt chước thầy nói “canh này chua quá” thì còn đúng nữa không. Rồi ai hỏi canh này ngọt sao lại nói chua thì bảo “Thầy nói vậy mà” như thế có oan cho thầy không?
Đức Phật luôn dạy đúng với thời-vị-tính mỗi tình huống đặc thù của người đang đối diện thôi, không phải áp dụng cho ai cũng được. Cho nên, mỗi bài kệ Pháp Cú đều có một câu chuyện đi kèm để cho người sau thấy rằng bài kệ đó được nói trong bối cảnh đó thôi. Như lời đức Phật dạy “không phải của ta” cho nàng Paṭācārā chỉ thích hợp với hoàn cảnh khổ đau mất mát mọi người thân của nàng nên nàng mới tỉnh ngộ, nếu đem nói với một ông vua đang lúc thanh bình thịnh trị thì mang hoạ!
Câu Pháp cú số 61 ám chỉ trường hợp trưởng lão Mahā Kassapa sống với một người đệ tử ngu ngóc, sân hận, đã làm sai không nghe lời dạy bảo còn nổi giận đốt luôn tịnh thất của trưởng lão, nên đức Phật mới dạy rằng Kassapa thà sống một mình còn hơn sống với kẻ ngu, chứ không có ý nói bỏ mặc người kém hơn mình, nếu bỏ mặc người kém hơn mình sao đức Phật lại mất công đi hoằng hoá độ sinh.
Giáo Pháp Nguyên Thủy và cách hành
Hỏi: Giáo Pháp và cách thực hành theo Phật Giáo Nguyên Thủy là tự tu, tự chứng để diệt khổ cho mình, như vậy có vị kỷ cá nhân không, thay vì tu trong hoạt động vị tha để giúp đời bớt khổ như Đại Thừa?
- Vấn đề là ở chỗ hiểu ý nghĩa của cuộc đời như thế nào. Nếu xem cuộc đời là môi trường giáo dục, huấn luyện, đào tạo để giúp mỗi người phát huy trí tuệ và đạo đức thì để cho mọi người tự mình trải nghiệm những khó khăn gian khổ mà giác ngộ giải thoát là tất yếu. Như trong trường huấn luyện quân đội chẳng hạn, người ta phải thiết lập nhiều tình huống khó khăn nguy hiểm để học viên phải vượt qua mới phát huy được khả năng chiến đấu. Nếu có một ai đó nghĩ rằng sao lại để cho những học viên này cực khổ như vậy rồi anh ta đưa ra dự án san bằng mọi hiểm trở để biến trường huấn luyện thành khu nghỉ dưỡng 5 sao cho học viên hưởng thụ thì còn gì là ý nghĩa của trường huấn luyện khổ nhục!
Vậy cuộc đời đau khổ chính là để mỗi người học ra
bài học giác ngộ giải thoát, nên từ xưa đến nay chưa có vị Bồ-tát hay đấng Cứu
Rỗi nào, dù lòng vị tha rộng lớn đến đâu có thể dẹp mọi thăng trầm cho cuộc đời
bằng phẳng được cả. Trong lịch sử từ khi có loài người xuất hiện trên trái đất
này có thời đại nào thực sự bằng phẳng chưa? Như thế, lòng vị tha không phải là
“nguyện độ chúng sinh” bằng cách dẹp
bỏ những khổ đau trên cuộc đời để mọi người đều được hạnh phúc một cách không
tưởng, mà điều kiện tiên quyết là mỗi người phải tự khám phá ra nguyên nhân đau
khổ nơi chính mình để tự giác rồi mới
có thể chỉ bày cho người khác biết tự
giác ngộ giải thoát ra khỏi nguyên nhân khổ đau do chính họ gây ra như thế
nào.
Đó là lý do vì sao đức Phật chỉ khai thị chứ không cứu rỗi, vì nếu cứu rỗi cho mọi người thì họ không còn khả
năng tự giác để vượt qua những thử thách chông gai, để tự mình phát huy trí tuệ
và đạo đức được nữa. Tự giác không phải là ích kỷ mà phải có tự giác mới có thể
giác tha. Một hôm đức Phật ghé qua một gánh xiệc, thấy hai cha con cùng biểu
diễn màn xiệc giữ thăng bằng khi đang nhào lộn trên một sợi dây. Đức Phật hỏi
người cha làm sao hai cha con cùng biểu diễn có thể giữ thăng bằng tốt, người
cha trả lời trong khi biểu diễn con để ý giữ thăng bằng cho con của con. Khi
đức Phật hỏi qua người con, anh ta trả lời con chỉ lo giữ thăng bằng cho chính
mình. Đức Phật khen người con đã làm đúng.
Vì mải lo giữ thăng bằng cho người khác thì chính
mình đã mất thăng bằng rồi! Cho nên khi đi máy bay hành khách được cảnh báo
rằng hãy đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước rồi mới giúp trẻ em và người khác
sau. Đức Phật dạy tự mình giác ngộ trước vì khi đã giác ngộ thì tất nhiên mình
sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người. Nhưng dù lòng vị tha có lớn tới đâu thì
thầy giáo cũng chỉ dạy cho học sinh cách học để các em biết siêng năng học tập
chứ không thể học giùm, thi giùm cho các em khỏi khổ cực trong học hành được.
Mỗi người
là bài học của chính mình
Hỏi: Tình hình của một đất nước có ảnh hưởng đến sự giác ngộ của cư dân trong nước ấy không thưa Thầy?
- Mỗi người sinh ra trên đời là để học bài học giác ngộ chính mình và bản chất cuộc sống. Bài học này không phải do ai đem đến mà là do nghiệp của mỗi người tự tạo qua chọn lựa cách nhận thức và hành vi của chính mình. Đã gieo nhân thì phải gặt quả mới có thể học bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi được. Quả báo được thực hiện nơi mỗi người qua chánh báo và y báo. Chánh báo là hậu quả diễn ra ngay trên thân tâm mỗi người, còn y báo là hậu quả diễn ra nơi chốn mà họ sinh ra như trong gia đình nào hay đất nước nào.
Tại sao chúng ta sinh ra ở Việt Nam mà không sinh
ra ở Pháp vì chúng ta có cộng nghiệp với những người cần phải học bài học ở
Việt Nam, còn người nào sinh ra ở Pháp thì sẽ học bài học của họ ở Pháp. Nói
cho dễ hiểu, một em học sinh trình độ lớp Một phải học lớp Một thì từ đó mới
tiến lên được, nếu em vào lớp Hai sẽ học không nổi nên sẽ chẳng học được gì.
Lớp Một là y báo phù hợp với trình độ của các em, còn kết quả học tập của mỗi
em mỗi khác đó là chánh báo.
Nếu quan sát, chiêm nghiệm kỹ sẽ thấy ra tại sao dân tộc này bị như vậy, dân tộc kia được như kia... tất cả đều có cộng nghiệp chung của dân tộc và biệt nghiệp riêng của mỗi người trong dân tộc đó. Có câu nói rất đúng rằng: "Mình sinh ra không phải để thay đổi cuộc đời mà cuộc đời sinh ra để giúp thay đổi chính mình” Chính hoàn cảnh cuộc đời giúp mỗi người giác ngộ.
Vị lãnh đạo ưu việt
Hỏi: Thưa Thầy, những điều Thầy vừa dạy có vẻ đi ngược lại với lý thuyết của leadership tức lý thuyết của người lãnh đạo là phải chủ động để thay đổi chứ không phải thụ động để đối phó. Người leader giỏi phải chủ động để thay đổi tình huống nào đó để trở nên tốt đẹp hơn. Còn thụ động thì tiến trình tiến hóa sẽ rất chậm?
- Không phải là thụ động, bởi vì thay đổi chính mình là thái độ chủ động tích cực nhất. Không phải lãnh đạo là chỉ lo thay đổi bên ngoài mà người lãnh đạo trước tiên phải phát huy trí tuệ và đạo đức nơi chính mình, nếu không thay đổi được chính mình làm sao thay đổi thiên hạ. Bản thân mình phải sáng suốt hiểu rõ chính mình hiểu rõ mọi hoàn cảnh, mọi tình hình thì mới lãnh đạo tốt. Khổng Tử, một nhà chính trị và triết gia lỗi lạc cũng nói rằng: “Muốn bình thiên hạ trước phải trị quốc, muốn trị quốc trước phải tề gia, muốn tề gia trước phải tu thân, chánh tâm và thành ý”. Đức Phật cũng vậy, sau khi tự mình giác ngộ, Ngài chỉ đi đây đó chia sẻ khai thị cho những người hữu duyên thôi, Ngài nói Ngài là người chỉ đường chứ không phải là giáo chủ, không làm nhà lãnh đạo, thế mà cho đến bây giờ hàng triệu người trên thế giới vẫn tu học theo Ngài, vẫn còn tôn thờ, quy ngưỡng nơi Ngài. Đó chính là “bất trị nhi bất loạn, bất giáo nhi tự hành” của bậc Thánh Trí.
Còn lãnh đạo độc tài kiểu Hitler thì thế giới sẽ đi
về đâu? Cho nên, thay đổi chính mình vẫn là thái độ ưu tiên, người có trí tuệ
và đạo đức có thể không cần thay đổi người khác, cũng không cần bắt người khác
phải thay đổi theo ý mình mà mọi người tự thay đổi theo. Đó chính là lãnh đạo
ưu việt nhất theo Vương đạo hay Thiên đạo chứ không phải lãnh đạo theo kiểu Bá
đạo hay Atula đạo.
Ai thấy được
sự hoàn hảo trong bất toàn là người giác ngộ.
Hỏi: “Ghét của nào trời trao của đó” có đúng không thưa Thầy?
- Ngoài luật nhân quả còn có luật duyên báo, 2 luật này có chỗ khác nhau, thường nhiều người chỉ để ý đến nhân quả chứ không để ý duyên báo. Duyên là hoàn cảnh của mỗi người như sinh ra ở đất nước nào, xã hội nào, gia đình nào, có mối quan hệ với ai, tốt hay xấu… Có người than phiền tại sao tôi gặp người chồng khó khăn thế này thế nọ. Thật ra, vì người đó có ảo tưởng về một người chồng lý tưởng, nên gặp duyên người chồng bất như ý, có như thế mới thấy ra sự thật đồng thời giúp phát huy được đức tính nhẫn nại, cảm thông, tha thứ. Ai thiếu điều gì thì Pháp đến bổ túc điều đó, ai dư cái gì Pháp đến lấy đi cái đó. Nói như Lão Tử thì Pháp thường “bổ bất túc, tổn hữu dư” để giúp mọi người phát huy trí tuệ và đạo đức của mình, nhưng mới trông có vẻ như “ghét của nào trời trao của ấy” vậy.
Trong thiên nhiên cọp tìm cách bắt nai nên nó ngày càng mưu mẹo hơn, nai tìm cách chạy thoát nên cũng nhanh nhẹn và cảnh giác hơn. Điều này có vẻ như đã được lập trình sẵn để chúng sinh phát huy được chính mình. Ban đầu do chiến đấu nên phát huy cái ác, sau biết đau khổ mới cảm thông với nỗi khổ của kẻ khác mà phát huy điều thiện, vì thế nếu dẹp hết cái ác thì cũng không có điều thiện. Trong cái ác bỗng phát sinh điều thiện, như con cọp nọ ăn con nai mẹ, thấy con nai con yếu ớt nó bỗng phát sinh tình thương yêu bảo vệ và nuôi nấng chú nai con. Trong thiên nhiên thật kỳ lạ, nhìn có vẻ bất toàn nhưng thật ra vốn rất hoàn hảo. Cho nên, ai thấy được sự hoàn hảo trong bất toàn chính là người giác ngộ.
HT. Viên Minh
Trà Đạo ngày 27.08.2016