Bản ngã – Vai trò của Kinh Điển


Biểu hiện của bản ngã

Hỏi: Thưa Thầy, sở dĩ con người đau khổ phiền muộn là do bản ngã mà ra, không những làm khổ mình mà còn làm khổ người xung quanh. Trong 14 điều răn thì điều thứ 7 nói rằng "Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti". Trong khi nhà thơ Xuân Diệu lại nói "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm", như vậy là mâu thuẫn nhau. Vậy phải sống với thái độ nào mới đúng?
- Biểu hiện của bản ngã là hành động nói năng suy nghĩ chủ quan thiếu nhận thức đúng đắn, chính hành động này tạo ra đau khổ. Chủ quan ở đây có nghĩa là theo ý mình mà không quan tâm đến sự thật hoặc ý kiến của người khác. Do đó bản ngã thường có thái độ tự tôn hoặc tự ti.

Người tự ti thường chán ghét bản thân, thấy mình thua kém người khác về điều mình muốn được mà không được như người ta. Vì vậy họ tủi thân, không dám vươn lên mà buông xuôi đầu hàng số phận. Đó là tính chất của bản ngã tự ti. Nên mới nói "Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti".

Ngược lại người nghĩ rằng: "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm" thì không cam lòng, không chịu an phận thủ thường mà ít nhất cũng phải có một lần trong đời khẳng định được mình rồi chết cũng hả dạ. Bản ngã này có vẻ không tự ti nhưng lại ít nhiều mang tính tự tôn.

Tuy nói rằng bản ngã tạo ra đau khổ, nhưng trong thế giới tương đối bản ngã cũng tạo ra hạnh phúc. Có bản ngã ác cũng có bản ngã thiện tương ứng với ba giới, bốn loài hay sáu cõi. Chỉ có điều chưa giác ngộ được vô ngã nên còn luân hồi sinh tử mà thôi. Vì vậy vấn đề không phải là tự ti hay tự tôn mà cần yếu là thường sáng suốt biết mình để thấy đâu là bản ngã đâu là vô ngã.

Khắc phục tính tự ti

Hỏi: Tính tự ti không tốt kính xin Thầy chỉ cách khắc phục?

- Không cần khắc phục tự ti mà chỉ cần trong tâm có tự ti thì thấy có tự ti, tức thường sáng suốt biết mình, trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thân thọ tâm pháp thì mọi sự sẽ tự động điều chỉnh. Khắc phục tự ti thì sinh ra tự tôn, rốt cuộc cũng đều là ngã mạn, là bản ngã. Khi thấy ra tánh tướng thể dụng của tất cả tâm thiện, bất thiện, vô nhân, duy tác v.v… thì sẽ thấy ra yếu tố nào là tập đế khổ đế, yếu tố nào là đạo đế diệt đế. Đó mới là giác ngộ.

Vai trò của Kinh Điển

Hỏi: Thưa Thầy, Pháp ở khắp nơi, nên dù ở nơi nào đó không có Kinh Điển, mà người biết nhận thức và hành vi đúng tốt thì vẫn có thể giác ngộ phải không thưa Thầy?

- Đúng, những vị Phật Độc Giác đâu có đọc Kinh Điển nào mà vẫn giác ngộ Chân Lý. Pháp có sẵn trong mỗi người và ở khắp mọi nơi, cho nên qua trải nghiệm nhân duyên của các pháp, ai thấy ra sự thật thì người đó có thể giác ngộ chứ không nhất thiết phải học từ Kinh Điển. Đức Phật nói rằng ở đâu có Bát Chánh Đạo thì ở đó có bậc Thánh. Ai sống biết quan sát, khám phá ra sự thật tức có chánh kiến, chánh kiến khởi đầu một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi. Cho nên trong mười nhân sinh phước, phước cuối cùng là phước điều chỉnh nhận thức từ tà kiến đến chánh kiến, qua trải nghiệm thực trong cuộc sống, chứ không phải qua Kinh Điển. Kinh Điển trung thực nhất chỉ mang tính khai thị hoặc gợi ý cho mỗi người tự khám phá sự thật, do đó việc chính là tự trải nghiệm để khám phá mới được, nếu lệ thuộc vào Kinh Điển quá thì có thể biến Kinh Điển thành chướng ngại cho sự khám phá sáng tạo. Do đó người xưa nói “Tận tín thư bất như vô thư” là vậy. 

Thật ra Kinh Điển vô tội, sai lầm là ở chỗ người sau biến thành hệ thống giáo điều, nặng phần ngữ nghĩa mà hình thành tư tưởng, quan niệm và cố chấp vào nhận thức của mình mà gán cho Kinh Điển để củng cố quan điểm của mình. Hệ Chú Giải của các Luận Sư, hệ giáo điều của những nhà Thần Học đã phản lại ý nghĩa đích thực rất giản dị của Phật, của Chúa. Vì vậy nếu không trực nhận sự thật ngay đây và bây giờ thì coi như đánh mất Chân Lý đang hiện diện ở khắp mọi nơi.

Hỏi: Thưa Sư ông, sư ông vừa nói chánh niệm không qua ngôn từ tên gọi mới đúng. Vậy khi nói “đóng cửa mở cửa nhẹ nhàng mới có chánh niệm”, con cảm thấy khi cố gắng cho nhẹ nhàng thì lại quên đi cái thật là có xúc chạm bàn tay v.v... mà lại tập trung tâm nói thầm “mở nhẹ, mở nhẹ” như vậy nó không còn tự nhiên hay trọn vẹn biết việc đó nữa phải không thưa Sư ông?

- Phải, con thấy được điều này quả là tinh tế. Khi nghĩ rằng “đóng cửa nhẹ nhàng mới có chánh niệm” thì đã có dụng ý sắp đặt đối tượng để chánh niệm nên không còn tự nhiên vì đã bị khái niệm và tư tưởng dẫn trước rồi, điều này khác xa với “có chánh niệm thì đóng cửa nhẹ nhàng” tức khi tâm trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thì việc đóng cửa sẽ tự nhiên không hấp tấp thô tháo. Đó là sự nguy hiểm khi Lời Phật Dạy bị thuật lại qua ngôn từ Kinh Điển và càng nguy hiểm hơn qua mỗi lần dịch thuật!!! Vì vậy mà một nhà sư Thái Lan đã dám nói “Kinh Điển che mờ Sự Thật” cũng không phải là quá đáng.

Điển hình như khi Đức Phật dạy bốn niệm xứ với dân Kuru, Ngài phải diễn tả thật chi tiết cụ thể từng lãnh vực thân, thọ, tâm, pháp cho người dân dễ tiếp thu… nhưng khi với ông Bāhiya Ngài chỉ nói đơn giản “trong thấy chỉ thấy…” thôi là đủ mà đâu có khác gì bốn niệm xứ. Chẳng lẽ khai thị mà Phật cứ ngồi im nên bất đắc dĩ phải dùng lời, nhưng thật ra lời nói không bằng thân giáo mà Ngài thể hiện ngay đó với người được khai thị. Người sau không chứng kiến được bối cảnh thực địa đó của sự Khai Thị nên hạng người lý trí chỉ y cứ vào ngôn từ, ngữ nghĩa để suy diễn theo kiến thức hạn hẹp của mình đã chú giải thành những bộ Luận đầy tính hệ thống triết học Tôn giáo. Ngược lại hạng đức tin thì qua Khai Thị đó biến thành Tín Ngưỡng đầy huyền thoại của dân gian. Vì vậy, pháp hành cũng có hai hướng:
- Hướng lý trí chú giải ngôn ngữ Kinh Điển rồi chế ra pháp môn phương tiện hoặc phương pháp chủ quan, cục bộ để hành trì và hướng dẫn người khác áp dụng theo.
- Hướng trực nhận lời Khai Thị của Phật để khám phá Sự Thật, không qua ngôn từ ngữ nghĩa, không qua phương pháp chế định hay pháp môn phương tiện nào.

Vô Niệm

Hỏi: Thưa Thầy, trong cái thấy phải hoàn toàn vô niệm mới đạt được chánh niệm phải không ạ?

- Đúng, vô niệm tức là không hình thành khái niệm nào, lúc đó mới trả pháp lại cho thực tánh của nó. Vô niệm có nghĩa là không còn khái niệm, tư tưởng, quan niệm nào, hay nói cách khác là không có tà niệm, vọng niệm, tạp niệm và thất niệm. Có hai sai lầm: Một cho rằng vô niệm là không có chánh niệm, hai cho rằng đã vô niệm thì không cần chánh niệm. Thật ra vô niệm và chánh niệm là hai từ có vẻ khác nhau nhưng cùng một nghĩa.
Vô niệm được đức Phật gọi là "không tư niệm, không tư lường, không có thầm ý" nhờ vậy tâm mới trọn vẹn (nhất như) với thực tại mà có chánh niệm. Như vậy, có thể nói phải vô niệm mới chánh niệm, hoặc chỉ khi chánh niệm tâm mới thật sự vô niệm. Vô niệm là “khi không nghĩ thiện không nghĩ ác” tức là lúc chánh niệm chỉ trọn vẹn thấy pháp như nó đang là.

Trà Đạo ngày 18.04.2017
HT. Viên Minh