Hỏi: Trong 5 triền cái, “nghi hoặc” thuộc bất thiện, và
trong 10 kiết sử, “hoài nghi” cũng thuộc bất thiện, nhưng khi dạy cho người xứ
Kālāma đức Phật khuyên đừng vội tin, như vậy có vẻ như cần phải nghi mới tốt.
Vậy 2 loại nghi này khác nhau thế nào?
- Thật ra, chưa biết rõ sự thật tất nhiên phải nghi ngờ (kaṅkhā), tức chưa vội tin, nghi này mang tính cẩn thận, dè dặt là cái nghi cần thiết, người học Đạo nên có cái nghi của sự thận trọng này. Trong khi nghi hoặc (vicikicchā) thuộc triền cái (nīvaraṇa) có tính si - phân vân, do dự - thiếu yếu tố “tứ” (vicāra) để thẩm định đối tượng rõ ràng khiến tâm bị trở ngại chưa ổn định được. Còn hoài nghi (vicikicchā) trong kiết sử (samyojana) cũng cùng tính chất như nghi triền cái nhưng khác nhau ở chỗ sự phân vân lưỡng lự là do thiếu yếu tố trí tuệ (paññā) trên đối tượng chân đế chứ không phải trên đề mục thiền định hay đối tượng tục đế. Khi chưa thật sự tuệ tri đâu là tục đế đâu là chân đế thì vẫn còn nhận thức qua lý trí (tưởng tri và thức tri của ý thức) nên chắc chắn còn hoài nghi, tức chưa thấy rõ đâu là chân đâu là giả. Bậc Thánh Dự Lưu không còn hoài nghi vì đã liễu tri Thánh đế nên luôn “tịnh tín bất động”, không còn hoài nghi đối với Sự Thật Rốt Ráo (Niết-bàn) nữa.
Hỏi: Thưa thầy theo kinh sách người nào hết hoài nghi là đắc quả Tu-đà-hoàn luôn. Vậy thấy Thực tánh pháp rồi thì có mất không? Và có sự khác biệt nào giữa người thấy Thực tánh pháp vẫn còn phàm phu với người thấy được thực tánh pháp đắc quả Tu đà hoàn?
- Thấy thực tánh pháp rồi có thể mất có thể không mất, vì thực tánh chân đế có hai loại: Tánh đế (Sabhāva sacca) và Thánh đế (Ariya sacca). Khi còn phàm phu chỉ mới thấy Tánh đế qua tuệ tri vẫn có thể mất, còn bậc Thánh thấy Thánh đế qua liễu tri nên không mất.
Trong tiến trình tâm chứng ngộ Đạo Quả, khi tâm Đạo
ứng khởi thì một mặt thấy Tánh đế của các phiền não và lập tức phiền não diệt,
ngay đó tâm Đạo liền chứng Thánh đế, Niết-bàn. Trong quá trình tu tập, bỗng một
lúc nào đó tâm rỗng lặng trong sáng, vắng bặt mọi khái niệm, tri kiến tạm thời
thanh tịnh, lúc đó chính là thấy ra Tánh đế, nhưng người ấy có thể không biết
đó là Tánh đế nên mới mất. Nhưng nhờ trải nghiệm nhiều lần như thế mới bắt đầu
thực chứng đó là Tánh đế. Khi đã nhận ra Tánh đế thì sớm muộn gì cũng thực
chứng Thánh đế.
Hỏi:
Trong kinh A Hàm có đoạn nói đến Hữu hành Niết-bàn, Vô hành Niết-bàn, Tổn
hại Niết-bàn và Trung gian Bát Niết-bàn. Kính xin Thầy giải thích về các loại
Niết Bàn này.
- Vì đó là Kinh A-hàm của các Bộ Phái chứ không phải Kinh Nikāya Nguyên thuỷ nên thầy chỉ đoán rằng Hữu hành Niết-bàn là Niết-bàn còn tập khí (sankhàra) của bậc Hữu Học, Vô hành Niết-bàn là Niết-bàn không còn tập khí của bậc Vô Học, Tổn hại Niết-bàn là Niết-bàn của các bậc Hữu học còn phải trải qua thời gian để diệt dần (tổn hại) các kiết sử mới chứng được Niết-bàn hoàn toàn. Trung gian Niết-bàn là Niết-bàn của các vị A-na-hàm sinh vào cõi trung gian là Sắc Cứu Cánh Thiên rồi ở đó chứng quả A-la-hán và nhập Niết-bàn luôn…
Khi đọc Kinh điều nào không hiểu nên bỏ qua một bên
để đọc tiếp, về sau khi nào đủ duyên sẽ hiểu chứ đừng cố gắng giải đoán để cho
lý trí vọng thức xen vào. Điều nào thông suốt được tức mình đã trải nghiệm, đã
thấy ra trong thực tế đời sống.
HT.Viên Minh