Singapore, Sunday, January 19, 2014
Sư ông kính mến,
Con có thắc mắc này muốn hỏi sư ông.
Làm sao để biết mình yêu hay ghét một đối tượng nào đó hả sư ông? Vì nội yêu ghét con cũng thấy nó rất vô thường. Cùng một đối tượng, mới ngày hôm qua con còn yêu thật lòng, mong muốn người ta hạnh phúc, thì qua ngày mai con đã ghét đến mức chỉ muốn nó bị xe lửa đụng thôi! Mà dần dần con nhận ra là với ai con cũng thế, lúc yêu lúc ghét. Nếu vậy thì cái nào mới là thật hả sư ông? Làm sao biết thực sự yêu hay ghét ai? (Vì cũng là họ nhưng mình thì lúc yêu lúc ghét). Và có thật là yêu thì tốt hơn ghét không? Tại sao ta phải lấp đầy trái tim bằng tình yêu (như lý thuyết hay giảng) nếu ngay chính cảm xúc yêu nó cũng như mây trên trời, đến rồi đi?
Có một người dạy con phải tập "yêu người vô điều kiện" nếu muốn tiến xa hơn trên đường tâm linh. Người đó dạy là con luôn luôn ở mức “đai trắng tâm linh” nếu vẫn còn tâm lý có qua có lại. Sư ông cho con hỏi điều này có đúng không? Có thật là con cần phải luyện yêu người vô điều kiện để tiến xa trên con đường tâm linh hay không?
Con cảm ơn sư ông nhiều và chúc sư ông luôn mạnh khỏe. Dạo gần đây con hay thắc mắc vụ yêu ghét đó. Sư ông giải thích giúp con sư ông nhé.
Con chào sư ông.
Con,
Bé Ulārā
Bé Ulārā ơi,
Câu hỏi của con dữ dội thật đó nha! Sư ông cũng sẽ giải thích dữ dội nữa đó nè, không biết con có nghe nổi không đây?
Yêu hay ghét chỉ là biểu hiện phù phiếm của cái “tôi” ảo tưởng. Người ta yêu một đối tượng nhưng thực ra chỉ yêu chính ý tưởng được hài lòng của cái “tôi”, và ngược lại, khi cái “tôi” không như ý thì yêu bỗng biến thành ghét. Yêu ghét như con kỳ nhông đổi màu cho thích ứng với đối tượng, chỉ khác là đối tượng của kỳ nhông là khách quan, còn trong tình yêu đối tượng hoàn toàn chủ quan do tưởng tượng bịa đặt. Thực tình mà nói, người ta không yêu một đối tượng nào cả mà chỉ yêu ý tưởng của mình về đối tượng ấy. Ý tưởng này rất chủ quan vì trên thực tế nó không giống như đối tượng hiện thực chút nào, nên khi con phát hiện đối tượng ấy không giống như ý tưởng ảo của mình thì yêu thương liền biến thành chán ghét.
Không phải chỉ trong tình yêu mà trong mọi lãnh vực đời sống, hiếm khi ai thấy đúng đối tượng thật, vì đối tượng mà người ta biết được chỉ là phóng ảnh ý tưởng chủ quan của họ mà thôi. Đối tượng là tấm gương để họ soi thấy bộ mặt yêu ghét của mình nhưng họ lại chỉ quan tâm phê phán tấm gương tốt xấu ra sao thôi. Nên lắm khi người ta thấy mặt mình xấu thì lại cho là tấm gương không trung thực chứ không chịu nhận ra mặt thật của chính mình! Dân gian có câu nói: “Khi yêu trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo”, thật là chí lý phải không con?
Vậy đó có phải thực sự là yêu không hay chỉ là cái tình hư cấu của thương và ghét, hay nói trắng ra là của tham và sân? Đó có phải là tình yêu mà người ta nói cần phải lấp đầy trái tim hay không? Và nếu tình yêu loại này mà lấp đầy trái tim thì e rằng chẳng bao lâu nó sẽ biến trái tim thành phiền muộn, vì thực ra lấp đầy tình yêu chỉ để che giấu nỗi cô đơn, lo âu, sầu muộn đang tiềm ẩn trong tận đáy sâu của con tim luôn phập phồng sợ hãi. Đặc tính của tình yêu loại này là muốn chiếm hữu đối tượng mình yêu, ít nhất là cũng trên mặt tâm lý, nhưng tất cả sở hữu đều mong manh, có được thì có mất, có lấy thì có bỏ, có hợp thì có tan… nên bản chất của nó chỉ là hư ảo.
Tình yêu không điều kiện sẽ cũng chỉ là một ảo tưởng, trừ phi người ta đã trút cạn khỏi trái tim cái tình “yêu-ghét” phù du ảo mộng đó đi, thì lập tức trái tim tự tràn đầy một tình yêu thương vốn tuôn trào bất tận. Đó mới chính là tình yêu không điều kiện - tình yêu rộng lớn vô bờ - trong đó vắng bóng người cho và kẻ nhận. Tình yêu này vô hạn nên nó tràn ngập trái tim con chứ con không cần phải cố gắng rèn luyện để lấp đầy trái tim bé nhỏ của mình bằng một tình yêu hữu hạn. Còn trong phạm vi “yêu-ghét” thường tình thì đương nhiên phải có điều kiện, nếu không, con mà dại khờ yêu ai vô điều kiện thì… chết chắc đó nha!
Nói vậy không có nghĩa là sư ông dạy con phải trút bỏ mọi tình “yêu-ghét” đời thường, vì qua cái tình “yêu-ghét” đó con mới thấy ra được chính mình trong quan hệ với con người và cuộc sống. Như sư ông đã nói, cái tình “yêu-ghét” chính là tấm gương để soi thấy mặt thật của mình. Điều quan trọng là con có thấy ra cái yêu, cái ghét trong lòng mình không. Chỉ thấy thôi, đừng cố gắng giải thích hay phê phán gì cả, con cần thấu hiểu và cảm thông với cái gọi là tình “yêu-ghét” này hơn là muốn tìm ra điều kiện hoàn hảo cho một tình yêu lý tưởng. Điều kiện thì làm sao mà hoàn hảo được, phải không con? Nếu như con chưa hiểu được tình yêu, dù hữu hạn hay vô hạn, hữu ngã hay vô ngã, thì con vẫn còn bị chúng trói buộc, không thể nào thoát khỏi được lưới tình. Chúc con thấy ra được "cái vòng tình ái cong cong" mà “kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào” ấy để có thể hiểu ra trái tim mình và hiểu hết ý nghĩa kỳ lạ của cuộc đời.
Sư Ông.
Singapore, Tuesday, January 21, 2014
Sư ông kính mến,
Con cảm ơn sư ông đã trả lời con thật chi tiết. Có lẽ con cần phải sống, lắng nghe và chiêm nghiệm để hiểu được hết những gì sư ông nói. Con hiểu cái phần yêu-ghét chỉ là biểu hiện của cái ta ảo tưởng rồi. Nhưng đọc thư sư ông con lại nảy ra thêm một câu hỏi khác nữa.
Có lẽ con chưa trải nghiệm cái cảm xúc yêu vắng bóng người cho và người nhận, một cảm xúc ngập tràn con tim theo kiểu vô điều kiện như vậy bao giờ sư ông ạ. Khi con yêu thiên nhiên, yêu cái cây, cái nhà, yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật, nó cũng là biểu hiện của cái ta ảo tưởng hả sư ông?
Còn cha mẹ thương con cái vô điều kiện, ông bà thương con cháu vô điều kiện, đó có phải là tình yêu vô điều kiện đó không hả sư ông?
Nếu tất cả những điều trên không phải là tình yêu vô điều kiện sư ông muốn nói tới, thì sư ông có thể cho con một ví dụ được không sư ông?
Con cảm ơn sư ông.
À, bạn con có chia sẻ với con lịch thuyết giảng của sư ông khắp châu Âu. Sư ông bận rộn quá! Con chúc sư ông luôn luôn mạnh khỏe.
Con,
Bé Ulārā
Bé Ulārā à,
Sư ông đã nói tình yêu trong mối quan hệ thì tất nhiên là có người cho kẻ nhận rồi, nhưng trong sự tương giao thì lại hoàn toàn vắng bặt người cho và kẻ nhận. Như vậy, trước hết con phải phân biệt được mối quan hệ thiết lập có điều kiện, có chủ ý giữa người này và người kia, khác nhau như thế nào với sự tương giao tự nhiên vô điều kiện, không cần thiết lập bởi ý đồ kết nối nào cả.
“Khi con yêu thiên nhiên, yêu cái cây, cái nhà, yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật…”thì nếu tình yêu đó tự nhiên không có ý đồ sở hữu, đương nhiên tình yêu đó không điều kiện, không có cái “tôi” đối đãi với “người” hay “vật” nào. Nhưng khi tình yêu biểu hiện như: “Cảnh thiên nhiên trước mắt rất hợp ý tôi”, “Tôi thích cây này quá”, “Ước chi tôi có cái nhà đáng yêu kia”, “Đây là cái đẹp mà tôi hằng mơ ước”, “Tôi chỉ yêu trường phái nghệ thuật này thôi” v.v… thì đã rơi vào tình yêu có điều kiện mất rồi, vì đã có phân biệt cái này với cái kia nên đồng thời cũng phân đôi phạm trù yêu với ghét và tất nhiên liền có người cho kẻ nhận trong điều kiện hữu hạn của tình yêu.
Tình thương của cha mẹ, ông bà đối với con cháu cũng vậy, có thể vô điều kiện, có thể không, nhưng phần lớn là chỉ vô điều kiện khi có điều kiện là con cháu của mình, nên thực ra chỉ là vô điều kiện nửa vời, khó mà vô điều kiện hoàn toàn được, vì đó vẫn là mối quan hệ - có tôi và của tôi - thì đã có kẻ cho người nhận rồi, phải không con?
Tuy nhiên, nếu chưa trải nghiệm được tình yêu trong tương giao không điều kiện, không ta – người, thì trong mối quan hệ có điều kiện vẫn có tình yêu chân thật, lương thiện và tình yêu giả dối, bất lương. Nói cho dễ hiểu, tình yêu trong mối quan hệ cần có điều kiện đúng tốt - tuy còn hữu ngã nhưng có thể có vị tha - thì dù tình yêu này không hoàn hảo vẫn đem lại những điều tốt đẹp cho cả mình và người. Sư ông nhắc lại là một khi đã ở trong tình yêu có điều kiện thì đừng có dại khờ mà yêu ai không điều kiện đó nha! Cứ yêu đi rồi một ngày kia con sẽ hiểu thế nào là tình yêu hữu hạn và tình yêu thật sự vô bờ.
Nếu có một lúc nào đó tâm hồn con thật bình yên thanh thản, phản ánh mọi sự mọi vật như một mặt hồ tĩnh lặng trong veo, không yêu ai không ghét ai chỉ tràn ngập tâm hồn một sự dịu dàng, hiền hậu và con chợt mỉm cười thật hồn nhiên trong sáng với mọi người, mọi sự, mọi vật. Đó chính là tình yêu không điều kiện, không có người cho và kẻ nhận, tình yêu đó thật nhẹ nhàng như không là gì cả nhưng nó lại bao trùm tất cả đó con.
Chúc con khám phá được sự kỳ diệu ngay trong những lúc cuộc sống thật bình thường. Sư ông đang mỉm cười khi thấy con chập chững bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, bắt đầu một cuộc phiêu lưu khám phá đầy hiểm nguy nhưng vô cùng thú vị. Hãy can đảm lên, vì cuộc đời vẫn mãi mãi là bài học duy nhất của sự giác ngộ đó con ơi.
Sư Ông.
Thư Thầy trò (55)
Tác giả: Viên Minh - Ulārā