Hỏi: Xin Thầy giảng về
sự im lặng trong mối quan hệ đối nhân xử thế?
- Trong mối quan hệ giao tiếp cần im lặng lắng nghe để hiểu được ý người nói mới biết nên tuỳ cơ ứng đáp cho thích hợp hoặc nên giữ im lặng khi biết nói ra không ích gì cho cả đôi bên. Trong mối quan hệ xã hội, ngã chấp thường làm cho vấn đề rắc rối hơn. Vội vàng đối đáp khi chưa thấu rõ vấn đề chỉ tạo ra bất đồng và mâu thuẫn. Vì vậy có câu nói, một lời đã nói ra ngựa hay cũng không đuổi kịp (Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy) nên khi nói phải cẩn thận, tốt nhất là nên “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Hồi thầy mới học Đạo, có chút lý thuyết Kinh Luận gặp ai cũng cố thuyết phục người ta, về sau mới phát hiện chẳng ai tiếp thu gì cả, vì thực ra mình chỉ cố khoe kiến thức hơn là giúp họ thấy ra Sự Thật.
Đức Phật ngày xưa chỉ nói cái người nghe cần để
giác ngộ giải thoát chứ không nói ra hết cái gì Ngài biết nên thường có ai hỏi
Ngài mới tuỳ căn cơ mà khai thị. Cũng đôi lúc có người hỏi nhưng Ngài chỉ giữ
im lặng, vì biết nói ra chỉ tạo hiểu lầm vô ích. Đó cũng là định luật cung cầu
tự nhiên trong cuộc sống. Học cách nói năng và im lặng của Phật, thầy cũng
chỉ chia sẻ những đạo lý thực tế mà người nghe cần, người nghe hỏi, chứ không
chủ quan soạn bài sẵn để lên giảng ngôn từ kinh điển. Chỉ nên chia sẻ những điều
mình thật sự thấy biết qua trải nghiệm thực tế với người đang cần, còn khi
người ta chưa cần hay không cần thì tốt nhất nên im lặng, hoặc chỉ nên nhẫn nại
lắng nghe để học thêm bài học nhân tình thế thái.
Gặp người kiến thức sách vở, kinh điển, chữ
nghĩa quá nhiều mà không biết sống thực tế, họ thường muốn nói chứ không muốn
nghe thì càng nên im lặng, ngay cả khi họ hỏi cũng không nên nói, lúc đó
im lặng đúng là vàng vì nói cái thực thì họ không hiểu còn nói lý thuyết thì họ
đã quá đầy sao thu vào được nữa! Đó chính là "Nói người khôn không
lại, nói người dại không cùng". Trong tác phẩm Góp Nhặt Cát Đá có
câu chuyện "Một Tách Trà" như sau: Nan-in, một thiền sư Nhật sống vào
thời Minh Trị (1868-1892), tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về Thiền. Nan-in mời
trà. Ông đã rót đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm. Vị giáo sư
ngồi nhìn trà trong tách tràn ra cho đến khi không kềm mình được nữa:
- "Đầy
quá rồi. Xin đừng rót nữa!".
- "Giống
như cái tách này", Nan-in nói "Ông cũng đầy ắp những quan
niệm, những tư tưởng của ông. Làm sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được, trừ
phi ông làm cạn cái tách của ông trước?"
Thầy cũng đã từng gặp những trường hợp tương
tợ. Có anh chàng nổi tiếng đi đến đâu cũng đặt câu
hỏi để tranh luận, để chứng tỏ sở tri uyên bác của mình, anh
ta đến gặp thầy và đặt câu hỏi, thầy mời uống trà và chỉ hỏi thăm sức khoẻ
xã giao thôi. Vài lần như thế, anh thất vọng về nói với bạn bè "Lạ
thiệt hỏi gì ổng cũng không trả lời nên mình chẳng biết thực lực ổng ta ra sao
cả". Thực ra vì thầy biết có trả lời gì cũng sẽ gây tranh luận
vô ích thôi. Nói chỉ là bạc, im lặng mới là vàng, do đó biết
giữ im lặng là tốt, còn nếu khi nói lời nói cần phải có 5
điều kiện sau đây:
-
Nói đúng sự thật
- Nói với thiện ý
- Nói lời dễ nghe
- Nói đúng chỗ
- Nói đúng lúc.
Đó là đủ 5 yếu tố ưu việt mà người trí sử dụng để nói choc ó hiệu quả thiết thực.
- Nói với thiện ý
- Nói lời dễ nghe
- Nói đúng chỗ
- Nói đúng lúc.
Đó là đủ 5 yếu tố ưu việt mà người trí sử dụng để nói choc ó hiệu quả thiết thực.
Sự Sợ Hãi
và Sân Si trong Tu Tập
Hỏi: Xin hỏi Thầy có
phải sợ hãi là một loại tâm sân? Và làm sao tu để giác ngộ chứ không
do động lực tham sân hay sợ hãi?
- Theo Vi Diệu Pháp thì tâm nào có tính chất chống đối, đẩy xa ra hay huỷ diệt đối tượng đều gọi là sân, vì vậy sợ hãi, tật đố, hối hận, buồn phiền v.v… đều ở trong nhóm thuộc tính (tâm sở) của tâm sân. Duy Thức thì xem sân và sợ hãi là hai tâm sở khác nhau. Sân ngược với tham vì tham có tính thu vào hay giành lấy đối tượng, như vậy sợ hãi không thể thuộc về tham. Có hai yếu tố gần giống với sợ hãi nhưng không phải thuộc sân đó là tàm và quý. Tàm là hổ thẹn với tội lỗi, quý là ghê sợ không dám làm tội lỗi. Hai tâm sở này có tính lương thiện trong khi sợ hãi có tính bất thiện.
Vì không phân biệt được giữa tàm quý
(hiri-ottappa) với sợ hãi (uý: bhaya) nên không ít người vô tình
vướng vào sợ hãi thay vì biết tàm quý trong tu tập, do đó chỉ khiến tăng trưởng
tham sân si mà thôi. Khi thấy rõ tội do tư tưởng sai xấu đưa đến hành động hại
mình hại người nên biết hổ thẹn mà chùn chân trước tội lỗi, khác xa với người
đã làm tội do nhận thức và hành vi sai xấu, không biết tu sửa ngay nơi tư tưởng
và hành động hiện tại mà chỉ cố tu sao để tránh được quả báo thôi, đó không
phải là chuyển nghiệp mà chỉ là sợ hãi. Cũng vì lý do này mà trong khi tu chỉ
mong huỷ diệt quả khổ khiến tâm sân càng tăng trưởng, rồi cứ loay hoay trong
thủ xả mà không tìm được lối ra! Như vậy, tưởng đang tu nhưng thực ra đang bị
sợ hãi, sân si dẫn dắt!
Thực ra, khám phá Sự Thật nơi chính mình và cuộc
sống mới là tu chứ không phải tu vì động lực tham sân si hoặc sợ hãi. Như vậy,
tu là thấy ra Sự Thật chứ không phải rèn luyện để đạt được lý tưởng nào. Thấy
ra sự thật gì?
- Một là thấy ra được nhận thức ảo (sai
sự thật) và hành vi xấu (hại mình hại người) để buông ảo trở về chân, tránh
tình trạng thấy dây thành rắn, thấy cuốc hoá gà.
- Hai là thấy ra hiện tượng duyên khởi nơi
thân tâm cảnh để tuy nghi ứng xử cho đúng tốt với tướng dụng của nó.
- Ba là thấy pháp vốn tự nhiên, như thị ngay nơi tự
tánh chân đế thoát khỏi khái niệm tục đế hay pháp chế định do lý trí vẽ vời,
thêm thắt.
Trọn vẹn
với hiện tại
Hỏi: Con nhận thấy trong sinh
hoạt hàng ngày có nhiều khi vội vàng hấp tấp và con thấy ra thái độ đó là do
tham muốn làm việc cho nhanh lẹ. Thái độ đó rất thô nên con
không hài lòng và con muốn biết nó là cái gì và làm sao khắc phục?
- Vội vàng, hấp tấp khiến nhiều người không trọn
vẹn tỉnh thức với hiện tại được là bởi hai động lực: đẩy và kéo. Lực
đẩy xuất phát từ sự nôn nóng khi khởi lên ý đồ thực hiện một điều
gì. Lực kéo xuất phát từ mong mỏi đạt được sự thành tựu nhanh
chóng ý đồ đó. Thí dụ khi đưa ra một kế hoạch, thường người ta muốn thực hiện
mau chóng dự án đó, và khi thực hiện lại bị đẩy bởi tiến độ và bị kéo bởi đích
tới, hơn là khoan thai, trọn vẹn và minh mẫn trong từng bước hiện tại, đó là lý
do đưa đến vội vàng hấp tấp và thậm chí có thể sinh ra căng thẳng, cập rập,
luống cuống mà hậu quả là chậm hơn “tuần tự nhi tiến” từng bước nhịp nhàng,
thoải mái. Người ta đâu biết rằng hạnh phúc không hẳn ở đích tới mà chính là
con đường khi mỗi bước đi trọn vẹn sáng suốt, trầm tĩnh, trong lành đã là nguồn
hạnh phúc bất tận.
Động lực đẩy và kéo tạo thành tình trạng vội vàng
hấp tấp này được đức Phật mô tả trong chuỗi 12 điều kiện hỗ tương sinh khởi
(Thập nhị duyên sinh) mà lực đẩy-kéo là hành, cụ thể trong đó ái (khát
vọng) và thủ (ôm giữ) là lực đẩy từ phía sau, còn hữu (ý
chí tạo tác để trở thành) là lực kéo về phía trước. Chính điều này đưa đến sinh
tử luân hồi và phiền não khổ đau.
Khi hành thiền mà hành giả khởi ý mong cầu sở đắc
thì đã bị lực đẩy và kéo này cuốn đi nên họ càng nỗ lực hành trì càng bị lún
sâu vào hành trình tham sân và sợ hãi. Đó là lý do nhiều người tẩu hoả nhập ma
vì quá căng thẳng. Trong 10 trở ngại của thiền minh sát có yếu tố cố
lướt qua (adhimokkha), cố tích cực (paggāha), cố
miên mật (upaṭṭhāna) và quá vội vã (nikanti) đều là
dục tốc bất đạt.
Thiền là buông hết mọi vọng cầu (không, vô tướng,
vô tác, vô cầu), trở về trọn vẹn tỉnh thức, soi sáng lại thực tại đang là để
ngay đó thấy ra Sự Thật. Sẽ có người hỏi: chẳng lẽ sống mà không có mục đích gì
để đạt tới sao? Có, mục đích chính là Sự Thật mà sự thật thì chỉ ở nơi thực tại
thân-thọ-tâm-pháp “đang là". Người giác ngộ là người đang sống trong mục
đích – tùy duyên thuận pháp – chứ không có mục đích nào khác ở bên ngoài để tìm
cầu, trừ nhu cầu thiết yếu trong sự sinh tồn của bản thân và sự lợi ích
cho nhiều người mới có hành động vô ngã vị tha. Khi đó mục đích vẫn ở
trong tầm nhìn hiện tại, chứ không phải mục đích trong ảo vọng tương lai nên
không hề có gì để thúc đẩy hay lôi kéo.
Thế nào là mục đích trong tầm nhìn hiện tại? Thí
dụ, có 2 vị khách thì cần có thêm 2 phần ăn, vậy hôm đó nấu thêm 2 khẩu phần,
như thế đâu có gì là ảo tưởng. Và cứ việc thong thả mà nấu, cần gì phải hấp
tấp. Nếu biết trọn vẹn trong từng nhịp sống thì đang nấu ăn đã là hạnh phúc chứ
đâu cần đợi đến khi ăn xong mới hạnh phúc mà phải vội vàng. Có khi thong
thả lại làm nhanh hơn hấp tấp vì không bị áp lực, căng thẳng trong nôn nóng,
cập rập để rồi sinh ra luống cuống mà tiến độ chậm đi.
HT. Viên Minh