- Theo mô tả tiến trình tâm của các bậc Thánh từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán thì đạo là tuệ giác thấy rõ 2 đối tượng: Một là sự trói buộc (kiết sử) nào đang chấm dứt. Hai là liền ngay đó thấy rõ Niết-bàn. Như vị Tu-đà-hoàn thấy thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ diệt đi và đồng thời cũng thấy ra Niết-bàn. Còn bậc A-la-hán thấy ra Niết-bàn khi không còn kiết sử nào nữa, chấm dứt mọi phiền não.
Trong bốn niệm xứ thì niệm pháp nói rõ điều này. Lúc đầu thấy 5 triền cái (phiền não), rồi thấy ngũ uẩn (bản ngã), thấy sự sinh, diệt và sự chấm dứt các kiết sử trong sự tiếp xúc Căn – Trần (12 xứ). Khi đã thấy rõ như thế tức tâm đang có các yếu tố giác ngộ (Thất Giác Chi), lúc đó tâm đang chánh niệm thấy có chánh niệm, tâm đang trạch pháp thấy có trạch pháp, khi đang tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả cũng đều thấy rõ. Đó chính là tâm Đạo. Với tâm Đạo như vậy liền thấy Bốn Sự Thật - thấy đâu là sinh tử luân hồi, đâu là giải thoát Niết Bàn.
Tóm lại, thấy rõ Tứ Thánh Đế gọi là chứng Đạo Quả. Nhưng điều này rất đơn giản chứ không cao xa như nhiều người thường nghĩ. Đơn cử như khi bị ai đó đến chửi mắng mà tâm vẫn rỗng lặng trong sáng, không khởi lên tham sân si gì cả. Tâm lúc đó chính là tâm Đạo, là Đạo đế và đối tượng lúc đó là Niết-bàn, là Diệt Đế. Còn nếu tâm khởi lên tham sân si thì lúc đó là tâm sinh tử, là Tập Đế và hậu quả là khổ đau, là Khổ đế. Ngay cả khi đang Tập Đế, Khổ Đế mà tánh biết vẫn thấy được sự sinh diệt đúng bản chất của Tập và Khổ thì tâm ấy vẫn là tâm Đạo, tâm Đạo thì thấy quả Niết-bàn. Trình độ thấy được như vậy gọi là chứng Đạo Quả.
Hỏi: Qua quá trình gì mới chứng được Đạo Quả, thưa Thầy?
- Qua trải nghiệm chính mình trong cuộc sống. Tất cả những gì có trong cuộc đời này thật ra chỉ là những bài học để giúp mỗi người thấy ra sự thật. Một người có thể trải qua biết bao điều thiện ác, đúng sai, được mất, hơn thua, vui khổ… để rồi học ra được sự thật về chính mình và ý nghĩa đích thực của cuộc sống, đó là giác ngộ, là chứng Đạo Quả.
Nhiều Phật tử nghĩ rằng cho con cái quy y, giữ giới khi còn bé là tốt, điều này có vẻ tốt về mặt đạo đức, tuy nhiên về mặt trí tuệ thì chưa hẳn. Đạo đức mà thiếu trí tuệ có thể trở ngại cho sự giác ngộ, vì chính mẫu mực đạo đức ấy đã làm cho bé sống theo thói quen khuôn khổ chứ không thực sự nhận thức đúng về bản chất thật của mình và đời sống. Vì vậy nó có thể sinh lên cõi trời này cõi trời kia, nhưng nó khó mà giác ngộ được.
Bồ Tát khi chưa hoàn toàn giác ngộ có khi phải đọa cả vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh…, phải trải qua vô số sai lầm đủ thứ để học ra toàn bộ sự thật mới giác ngộ được. Nếu ngài chỉ biết thiện không thôi thì khó có thể giác ngộ toàn bộ sự thật ở đời. Nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ cần đạo đức là giác ngộ, trên thực tế người sống rất ư đạo đức vẫn khó có thể giác ngộ, nhưng người giác ngộ thì luôn có đạo đức.
Tóm lại, giác ngộ là nhờ trải nghiệm đúng sai, thiện ác… để thấy ra Sự Thật, và khi thấy ra Sự Thật thì vượt lên khỏi phạm trù nhị nguyên thiện ác, đúng sai.
HT. Viên Minh
Trà Đạo ngày 13.09.2016