PHÁP NGỮ 7


Nhận thức đúng về Tứ Diệu Đế ... chính là tánh chất thật của đời sống.

Nhận thức đúng về Tứ Diệu Đế không phải là hiểu biết trên ngôn từ kinh giáo mà trên sự thật về từng nỗi khổ, niềm vui bạn
 đang trải nghiệm hàng ngày, từ đó  thấy ra chính thái độ phản ứng của bạn tạo ra những nỗi khổ niềm vui ấy, chứ không phải do ai hay nguyên nhân nào khác cả, bên ngoài chỉ là duyên, chính thái độ của cái Ta ảo tưởng mới là nhân tạo ra đau khổ. Chính cái Ta bản năng, tình cảm và lý trí luôn phát ra những vọng động, tính toán, lý luận, tranh thủ, chọn lựa giữa được-mất, hơn-thua, thành-bại, vui-khổ để rồi không bao giờ được thỏa mãn - như ý muốn của mình. Đó chính là tánh chất thật của đời sống.


Chẳng thà thấy ra sự thật khổ đau còn hơn tự mình ru ngủ trong ảo tưởng hạnh phúc

...Khi tâm rỗng lặng trong sáng thì mới phát hiện ra rằng cái gọi là khổ đau và hạnh phúc đều chỉ là ảo tưởng ảo giác mà thôi, còn sự thật thì muôn đời vẫn là sự thật. Sự thật dù phủ phàng tới đâu thì nó vẫn giúp con thoát ra khỏi ảo tưởng. Nói cách khác là chẳng thà thấy ra sự thật khổ đau còn hơn tự mình ru ngủ trong ảo tưởng hạnh phúc. Vậy thì để học ra bài học quý giá về chính mình và bản chất cuộc sống con cần phải cám ơn những nỗi khổ đau, và những người gây cho con đau khổ, vì nếu không có những nghịch duyên này con không bao giờ tỉnh giấc giữa cơn mộng dài tăm tối.

Thấy "như thị"

Người ta thường nói thấy "như thị" tức thấy "cái đang là" vô ngôn, nhưng thực ra người ta không biết rằng có thể nhầm lẫn giữa đối tượng thực tánh đang là vô ngôn vô tướng (what is being) với cái khái niệm tuy vô ngôn nhưng hữu tướng (that is being) về đối tượng ấy. Thí dụ khi bạn
 thấy "tâm sân", nếu bạn cảm nhận nó như nó là với tánh biết hoàn toàn rỗng lặng trong sáng như tấm gương phản ánh sự vật trung thực thì đó là thấy thực tánh vô ngôn vô tướng với tuệ tri (yathābhūtā ñānadassana). Nhưng nếu bạn định dạng nó qua khái niệm "tâm sân" mà bạn đã có kinh nghiệm trước đây, hoặc bạn học được qua kiến thức thì dù bạn chưa gọi tên nó đây là "tâm sân" tức tuy vô ngôn nhưng đã hữu tướng vì vẫn chỉ là thấy tướng khái niệm của lý trí với tưởng tri hoặc thức tri (atthapaññatti viññāna) mà thôi.

Cứ ngay nơi sự sống đang là mà thấy

...Đừng lý luận hay giả thiết gì cả. Cứ ngay nơi sự sống đang là mà quan sát rồi con sẽ tự thấy ra mọi việc, chứ không dựa vào giải thích của bất kỳ ai. Khám phá ra sự thật là điều thú vị và đầy sáng tạo. Thấy đói, thấy muốn ăn, thấy không muốn ăn, thấy đi tìm đồ ăn, thấy no, thấy nhịn đói, thấy chịu đựng cơn đói v.v... và v.v... dù diễn ra thế nào, xấu hay tốt, đúng hay sai... thì vẫn thấy. Đó chính là thấy, thế thôi.

Thể tướng dụng của pháp vốn là chân mỹ thiện

...Do đó vẻ đẹp là yếu tính tự nhiên của các pháp thực tánh chân đế, chứ không hiểu theo quan niệm đẹp xấu trong khái niệm tục đế. Và từ cao nhất ở đây không hiểu theo nghĩa so sánh cao thấp mà là sự thật duy nhất ngay lúc đó. Nếu lúc đó tâm rỗng lặng trong sáng và thấy pháp là thực tánh chân đế (như nó đang là: yathàbhùtà), thì cả cái thấy và pháp lúc đó đã hoàn hảo không cần thêm bớt hay trở thành gì nữa...

Thức tri

Thức tri cũng có hai loại:
 Một là thức tri qua 5 thức giác quan ban đầu và qua ý giới (hoạt động của tâm vô nhân) chứ chưa qua ý thức (hoạt động của tâm hữu nhân) thì đối tượng vẫn là thực tánh vô ngôn vô tướng. 
Hai là thức tri qua kiến thức và kinh nghiệm của ý thức hữu nhân tức qua khái niệm và quan niệm đã định sẵn hay hình thành từ trước thì đối tượng được thấy là tướng khái niệm chế định nên dù là vô ngôn vẫn hữu tướng. 

 Người chia sẻ cần có hiểu biết, nhẫn nại và thương yêu thì mới có thể tùy duyên mà cảm hóa. 

Mỗi người có mỗi căn cơ trình độ khác nhau nên tất nhiên nhận thức và hành vi của họ cũng khác nhau. Vì vậy muốn chia sẻ thì phải tùy căn cơ trình độ của mỗi người mà ứng biến mỗi khác. Không thể đem một bài vở nào đó để ứng dụng cho mọi lớp học. Người chia sẻ cần có hiểu biết, nhẫn nại và thương yêu thì mới có thể tùy duyên mà cảm hóa. Người chưa cảm hóa được vì nghiệp họ còn dày, cần phải để họ trải nghiệm thêm nhiều bài học khổ đau thì sớm muộn gì rồi họ cũng sẽ tỉnh ngộ ...
Tu không phải chỉ là đi chùa, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật... là đủ
 
Ăn chay, niệm Phật là pháp môn phương tiện có những lợi ích nhất định tùy căn cơ trình độ mỗi người, nhưng tu không phải chỉ là đi chùa, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật... là đủ, mà là sự quan sát, chiêm nghiệm tinh tường đời sống thực tế để thấy ra toàn bộ sự mâu thuẫn trong bản thân mình, sự xung đột trong mối quan hệ gia đình, và những ràng buộc trong cuộc sống nhân quần xã hội. Có như thế con mới có thể bén nhạy trong khả năng điều chỉnh nhận thức và hành vi của chính mình và giúp ích người khác. 

Cái sai lớn nhất của người tu hành

...Cái sai lớn nhất của người tu hành là muốn nỗ lực để tạo ra cứu cánh hoặc muốn sở hữu cái mình cho là đúng, là tốt, là lý tưởng cao siêu nhất, không biết rằng tâm mình vốn thanh tịnh trong sáng mà cứ mải mê hướng ngoại tìm cầu...

Tu là trở về với tánh biết rỗng lặng trong sáng

Tu là trở về với tánh biết rỗng lặng trong sáng (tâm là chói sáng) ở đó không sinh, không hữu, không tác, không thành chứ không phải là nỗ lực sinh, hữu, tác, thành để rồi trôi lăn trong luân hồi sinh tử.

 Chân lý 
Chân lý không ở trong chùa, trong những khuôn mẫu phải tuân thủ suốt đời làm tê liệt nhận thức linh động và sáng tạo, chân lý ở trong sự tương giao hay mối quan hệ giữa cuộc đời...
...Chân lý không dành riêng cho chư Tăng Ni trong các tu viện hay thiền viện, cũng không phải độc quyền của một số vị đạo sư nổi tiếng nào. Chân lý luôn thiết thực hiện tại (sanditthiko) cho những ai ít bụi trong mắt có thể thấy ra bất cứ ở đâu và lúc nào. Chân lý cũng không bị đóng khung trong những quan niệm, công thức, phương pháp, hay tông môn nào, cho nên đức Phật chỉ làm một việc duy nhất để cống hiến cho nhân loại là khai thị sự thật (Svàkhàto Bhagavatà Dhammo)...

Cách thâm nhập kinh kệ tốt nhất 

Kinh là những lời thuyết giảng của những bậc giác ngộ nhằm chỉ ra sự thật để giúp chúng ta khai thông những bế tắc trong đời sống, vì vậy cách thâm nhập kinh kệ tốt nhất là học hỏi, quan sát, chiêm nghiệm ngay nơi những diễn biến đời sống thì mới có thể thực sự giác ngộ giải thoát được.

Câu "chú" cao nhất trong các câu chú

Câu "chú" cao nhất trong các câu chú là "ARAHAM SAMMÀ SAMBUDDHO". Câu "chú" này sẽ giúp con sáng suốt, định tĩnh, trong lành mỗi khi nghe giảng, học bài và làm bài tập... Không những vậy, câu "chú" này còn giúp con thận trọng, chú tâm, quan sát trong mọi hoạt động hàng ngày.
Bản ngã 

 Có bản ngã nên không nhẫn được, vì bản ngã thường chọn chấp nhận hay đối kháng, nên nếu có nhẫn thì cũng chỉ ráng chịu thôi. Nhẫn thật sự được gọi là "vô sanh pháp nhẫn", vô sanh ở đây chính là vô ngã, nghĩa là chỉ có pháp vận hành đến đi chứ không có người hay cái Ta đối kháng hay chịu đựng.

***
Có bản ngã hay không bản ngã thì cũng vẫn là bài học để thấy ra bản chất của chính con phản ánh qua tấm gương của đời sống chứ không phải đem bản ngã này kiểm duyệt bản ngã kia.

...Dù bản ngã làm gì cũng không sao qua mặt được tánh biết vốn luôn giúp bạn giác ngộ giải thoát.

Cái Ta ảo tưởng luôn muốn được an toàn

Cái Ta ảo tưởng luôn muốn được an toàn, và khẳng định vị trí tốt nhất của mình, nên luôn tìm cách thiết lập mối quan hệ, dù là quan hệ bên ngoài hay quan hệ với một trạng thái lý tưởng bên trong. Nhưng khi gặp phải trở ngại, hụt hẫng, hoặc bị sốc trong những mối quan hệ kiểu ấy thì liền rơi vào tình trạng trống vắng cô đơn rồi tự cô lập trong tuyệt vọng. Điều này đưa đến trầm cảm, tự kỷ và lo âu sợ hãi. 

Người chỉ trích kẻ khác một cách sân hận là do người ấy không tự biết mình

Người chỉ trích kẻ khác một cách sân hận là do người ấy không tự biết mình. Người biết mình thì trầm tĩnh, sáng suốt, luôn thương yêu và thông cảm kẻ khác chứ không bắt họ phải theo khuôn mẫu mà mình "cho là" hoặc "phải là" một cách chủ quan. Nhân quả thì tùy theo mức độ sân hận và chỉ trích nặng hay nhẹ mà tương ứng với địa ngục, Atula, hay làm người nhăn nhó xấu xí và thường bị người khác chỉ trích. Và ngay trong hiện tại thường bị tâm sân thiêu đốt.

Cái đúng đích thực.

...Tu hành không phải là loại bỏ cái sai và tạo ra cái đúng, vì cái đúng được tạo ra thì cũng vẫn là cái sai, nên chỉ cần thấy ra cái sai cái đúng thôi là được. Thấy ra cái sai cái đúng tức là thấy đúng, còn cái gọi là đúng sai chỉ là tương đối. Khi nào dù thấy đúng hay sai mà tâm vẫn rỗng lặng trong sáng thì đó mới thật là... cái đúng đích thực.


Những điều lợi ích từ khổ đau

- Trả được nghiệp cũ mà mình đã tạo trong vô lượng kiếp vô minh ái dục.
- Học được nguyên lý vận hành nhân quả duyên báo của nghiệp.
- Có lòng nhẫn nại, cảm thông, bao dung, hỷ xả v.v…
- Trở về với tự tánh không chạy theo ngoại tướng, hay nói cho dễ hiểu là trở về với chính mình không lệ thuộc vào người khác hay hoàn cảnh bên ngoài.
- Nội tâm thanh tịnh và thấy rõ bản chất của vạn pháp (pháp tánh).

Truyền tâm ấn


Tâm Ấn vốn là từ của Thiền Tông để chỉ việc kiến tánh bằng tâm truyền tâm mà không cần qua ngôn ngữ, đó là việc ngầm khế hội tự tánh giữa người khai và kẻ ngộ nên được gọi là truyền tâm ấn. Còn về sau này được một số giáo phái pha lẫn với tính mật truyền của Mật Giáo mà trở thành một động tác trao tuyền rất huyền bí và hoàn toàn tin vào tha lực. Người được truyền lệ thuộc vào bậc thầy trao tuyền tâm ấn ấy. 

Truyền tâm ấn đúng nghĩa vẫn là sự tự ngộ, chứ không nương tựa vào một thế lực hay quyền uy nào bên ngoài, nên đức Phật dạy nguyên lý tu tập là "Sng không nương tựa, không chấp trước bất kỳ điều gì trên đời", hoặc "ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" vậy.

Đức Phật dạy: "Mình là nơi nương nhờ của chính mình...

Đức Phật dạy: "Mình là nơi nương nhờ của chính mình, không ai khác là nơi nương nhờ được. Khi tâm đã thuần tịnh thì đó mới là nơi nương nhờ hy hữu" và nguyên lý độc đáo của Đạo Phật là "Tự mình thắp đuốc lên mà đi". Vì "Do tự mình mà trong sạch hay ô nhiễm, hạnh phúc hay khổ đau, trói buộc hay giải thoát" như đức Phật đã dạy trong Kệ Pháp Cú. 


Có hai loại công đức: 

Một là công đức do tạo tác mà thành thì hữu vi hữu ngã. Công đức này có thể bị thiêu hủy dễ dàng bởi những ngọn lửa bất thiện. 
Hai là công đức vốn đã đầy đủ trong tự tánh thì vô vi vô ngã, nên bất thiện pháp chỉ có thể che mờ chứ không thể nào thiêu hủy được. 

Bản chất của tâm

Tâm vốn tự trong sạch nên không cần làm cho nó trở nên trong sạch. Bản chất của tâm không hề tự khởi lên ô nhiễm hay bất tịnh, chỉ có cái Ta ảo tưởng tạo tác lăng xăng nên tự ô nhiễm mà tưởng là tâm ô nhiễm đó thôi. Khi thấy ra mọi hành tướng lăng xăng của cái ta ảo tưởng thì nó tự biến mất để trả tâm về trọn vẹn trong sáng với thực tại, bấy giờ bạn sẽ thấy tâm không hề bị ô nhiễm.

Tâm hồn nhiên

Trẻ thơ và hồn nhiên trong sáng là phẩm chất vốn có của tâm. Khi không bị tà kiến, tham ái của cái ta ảo tưởng che lấp thì tâm liền chiếu sáng, vì vậy chỉ cần thấy biết trung thực và không dính mắc là được.

***
Hồn nhiên không phải là một khái niệm mà là một sự kiện như nó là, không qua kiến thức, kinh nghiệm hay kiến chấp nào. Khi tâm hồn con không còn bị cái ta lý trí lăng xăng lập luận một cách logic xen vào nữa, thì nó sẽ nhìn mọi sự mọi vật đầy mới mẻ và ngạc nhiên như tâm hồn thơ trẻ.

 Khám phá sự thật

Muốn khám phá sự thật thì đơn giản chỉ cần xem việc quan sát để thấy sự kiện như nó đang là... là một việc làm luôn mới mẻ và đầy hứng thú chứ không theo một quy trình hay mục đích nào định sẵn mới được!

Toàn bộ giáo pháp đức Phật dạy có thể tóm tắt trong một chữ BUÔNG

Điều này biểu hiện rõ nét trong 10 pháp ba-la-mật (từ bố thí đến tâm xả). 
Điều này thật dễ hiểu khi chúng ta nhận ra rằng tánh biết và pháp vốn hoàn hảo, chỉ do cái ta ảo tưởng tham sân si tạo tác lăng xăng nên đã hình thành vô số những ô nhiễm và trói buộc mà hậu quả là phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử. 
Vì vậy đức Phật định nghĩa Niết-bàn là đoạn tận tham sân si và đó cũng là lý do vì sao Niết-bàn được gọi là Diệt Đế. Vậy thì việc buông mở những chấp thủ, sở hữu, dính mắc; từ bỏ tham ái (tham sân si), và đoạn diệt tập đế, khổ đế chính là trở về tự tánh an tịnh, trong sáng sáng tức chánh trí giác ngộ Niết-bàn.