PHÁP NGỮ 4




Bản Ngã



 Khả năng thấy được bản ngã lại là vô ngã. Thấy được bản ngã là tốt rồi, do đó cứ thấy đi thì cái ngã sẽ tự biến mất khi thời tiết đến, vội gì con. Vội cũng là bản ngã đó nghe!

Có bản ngã không thể thấy và sống đúng với thực tánh chân đế (sự thật rốt ráo) được

Có bản ngã thì vẫn làm đúng tốt được nhưng chỉ đúng tốt tương đối trong pháp chế định tục đế (sự thật thế gian) mà thôi, chứ không thể thấy và sống đúng với thực tánh chân đế (sự thật rốt ráo) được.


Thấy biết như thực thì không có bản ngã

Thấy biết như thực thì không có bản ngã, có bản ngã thì không thấy biết như thực. Việc này thì con phải tự phát hiện thôi chứ không ai thấy giùm con được. Trong câu vừa nói có chữ ai, chữ con nhưng đó là những đại từ để tạm thời phân biệt giữa cá thể này và cá thể khác chứ không phải bản ngã. Thí dụ con là một cá thể, thầy là một cá thể nhưng khi con có ảo tưởng tự cho con là thế này hoặc thầy tự dán nhãn cho thầy là thế kia v.v... thì đó mới là bản ngã.

Giận xuất phát từ bản ngã

Giận xuất phát từ bản ngã nhưng trạng thái giận đang diễn ra lại là vô ngã. Chính cái ngã ảo tưởng cho rằng "Tôi giận" hoặc "Cơn giận của tôi" hoặc "Giận đang ở trong tâm tôi"... thì những ý nghĩ đó che mờ trạng thái của cơn giận đang diễn ra vì vậy không thể thấy biết như thực. Nhưng nếu trong thấy chỉ thấy, trong biết chỉ biết thì tánh thấy biết đó không có bản ngã nên có thể thấy biết như thực. Cứ để tâm quan sát tự nhiên thì ngã hay không sẽ rõ ...

Tâm Tĩnh Lặng

Tâm tĩnh lặng không còn khởi ý đồ tập trung cao độ, cũng không cần trở thành trí tuệ, vìtâm tĩnh lặng thật sự thì tự nó đã có trí tuệ. Như khi bầu trời trong lặng không mây thì mặt trời tự chiếu sáng, cũng vậy, tâm rỗng lặng thì trí tuệ tự soi chiếu chứ không cái gì trở thành cái gì cả. Trở thành là ý đồ của bản ngã.
Luân hồi sinh tử

Luân hồi sinh tử là do sinh ra một nhân, như Ngài Assaji đã chỉ ra cho Ngài Sariputta. Nhờthấy rõ nhân ấy và không sinh nhân ấy nữa nên Ngài Sariputta mới nhập dòng "Tùy duyên thuận pháp". Vậy thật sự tùy duyên thuận pháp thì còn gieo nhân gặt quả trong nghiệp báo triền miên gì nữa?

Giác Ngộ

Giác ngộ là thấy ra lẽ thật rốt ráo nơi chính mình và vạn pháp chứ không giữ vô vi cũng không bỏ hữu vi gì cả. 


Hữu vi

Hữu vi có hai loại: 
Một là pháp duyên hợp tự nhiên, vô thường, vô ngã nhưng không khổ.
 Hai là pháp tạo tác hữu ý, hữu ngã thì thực ra cũng vô thường, vô ngã nhưng tưởng là ngã nên mới có khổ. Loại thứ nhất tuy là hữu vi nhưng vẫn tịch tịnh, thuộc pháp thực tánh chân đế. Loại thứ hai là hữu vi tạo tác nên hữu ngã, thuộc pháp chế định tục đế. 

Vô vi

Vô vi là không còn bị bản ngã tạo tác hữu vi loại hai sai sử lôi cuốn, cũng không còn mê mờ chìm đắm trong pháphữu vi loại một. Như vậy, vô vi là chỉ THẤY các pháp hữu vi mà không bị chìm đắm cũng không bị cuốn trôi trong đó, chứ không phải loại bỏ hay nắm giữ điều gì. 

Minh và Vô Minh

Thấy là minh, không thấy là vô minh. 
Vô minh thì luân hồi sinh tử, minh thì không luân hồi sinh tử, 
tất cả hữu vi hay vô vi đều chỉ ngay đây và bây giờ thôi. 


Sức mạnh nội tại

Thường nhận ra được cái thấy không ý niệm (vô niệm), không mong cầu (vô dục) trong những sinh hoạt bình thường hàng ngày như vậy sẽ giúp con có sức mạnh (ngũ lực) để trở về (tinh tấn), trọn vẹn (chánh niệm), trong sáng (tỉnh giác) với thực tại ngay đây và bây giờ. Có sức mạnh nội tại đó con mới có thể an trong những tình huống khó khăn phức tạp hơn của đời sống.

Thấy "Trước vòng nhân quả..."

Hãy trọn vẹn nhìn vào giây phút hiện tại con sẽ thấy ngay thắc mắc của con. Ngay khi tâm con sinh lên thắc mắc ấy chính là lúc vòng nhân quả khởi sinh. Vì vậy thấy rõ "cái sinh" này con sẽ thấy ngay "trước vòng nhân quả thì chúng ta từ đâu mà được sinh ra".

Pháp môn phương tiện

Pháp môn phương tiện như con dao 2 lưỡi, đúng hướng thì thật tuyệt, không đúng hướng thì không những uổng công mà còn lầm đường lạc lối. Tất cả hướng tu đúng đều trở về với tự tánh sáng suốt, định tĩnh, trong lành chứ không tạo tác để trở thành bất cứ điều gì. Khi niệm Phật đến chỗ thanh tịnh không còn tạp niệm thì tâm tự rỗng lặng trong sáng, và khi tâm thanh tịnh trong sáng thì thấy tất cả các pháp đều thanh tịnh trong sáng. Tuy nhiên cảnh không quan trọng mà chính tâm thanh tịnh trong sáng mới là gốc của Đạo.
Hướng thể hiện đúng chính là "Tùy duyên, thuận pháp, vô ngã, vị tha"

Mỗi người tùy căn cơ trình độ mà thể hiện sự tu tập của mình chứ không có một công thức nào nhất định. Trên nguyên lý phổ quát thì hướng thể hiện đúng là "Tùy duyên, thuận pháp, vô ngã, vị tha". Con làm gì đúng với nguyên lý đó là được. Người chứng ngộ hay chưa chứng ngộ thì con đường đó vẫn đúng. Tùy duyên là tùy điều kiện hay hoàn cảnh thực tế chứ không tùy quan niệm chủ quan. Thuận pháp là làm theo lẽ thật chứ không làm theo ý đồ cá nhân. Khi đã thực sự tùy duyên thuận pháp tức đã chứng ngộ thì người ấy sẽ sống vô ngã vị tha, làm lợi ích cho mọi loài mà không có cái ta trong đó.

Sống thuận pháp 

Càng sống thuận pháp... càng mở rộng tâm hồn ra  đón nhận mọi pháp đến đi dù thuận hay nghịch để thấy ra bản chất thật của chính mình và cuộc sống. Khi tâm rỗng lặng trong sáng thì tánh biết không sinh diệt (chứ không phải thường hằng) thấy đúng và hành  đúng pháp... 

Vị tha

1. Vị tha xuất phát từ vị ngã (hay nói vị kỷ hoặc ích kỷ cho dễ hiểu): Ví dụ như thương yêu người khác để người khác thương yêu mình. Giúp đỡ người khác để chứng tỏ cái ta, để được lòng người, để mua danh bán lợi hay để lấy uy tín cho mình.
2. Vị tha xuất phát từ xả ngã (hay xả kỷ): Khi bắt đầu thấy lòng vị kỷ đem đến phiền não khổ đau nên tập sống vị tha để buông bỏ dần cái ta ích kỷ. Ví dụ như những người quên mình hy sinh phục vụ cho lợi ích chung. Mặc dù còn ngã nhân nhưng có khuynh hướng đi đến nhận thức và hành động vô ngã.
3. Vị tha xuất phát từ vô ngã (hay nói như Lão Tử là vô kỷ, vô công, vô danh): Những bậc đã hoàn toàn gíác ngộ như đức Phật, các bậc A-la-hán sống vị tha một cách tự nhiên (duy tác) vì quý Ngài không còn tà kiến chấp ngã (atta), nhân (puggala), chúng sanh (satta), thọ giả (jīva). Ví dụ đức Phật đã vượt ra ngoài ảo tưởng về 4 tướng nên Ngài mới hết lòng giáo hóa chúng sanh. 



Tánh Biết

Cái gì có sinh có diệt đều thuộc pháp hữu vi hoặc pháp tạo tác chủ quan. Tánh biết ứng ra 6 thức nhưng khi 6 thức sinh diệt do duyên thì tánh biết vẫn vậy, nó không diệt bởi vì nếu diệt rồi thì làm sao còn ứng được lập tức trong 6 thức khi căn xúc cảnh, và nếu diệt thì khi 6 thức không hoạt động làm sao còn có sự sống? Do đó dù 6 thức không hoạt động (như khi ngủ hay bất tỉnh) thì tánh biết vẫn hoạt động dưới dạng bhavanga. Không sinh vì sinh tức bây giờ mới có vậy trước đó nó ở đâu? Tánh biết giống như nước, sáu thức giống như sóng, sóng có sinh diệt, còn nước tuy có thể biến đổi thành hơi, mây, mưa v.v... nhưng tánh nước vẫn không sinh diệt. Tuy nhiên, vì nó biến hóa nên không phải là thường, và nó không diệt nên không phải là đoạn. 

Ngã và Ngã sở

  Khi buồn mà con thấy "Ta buồn" hay "buồn này là của Ta" thì đó chính là ngã và ngã sở(có năng sở).

 Tánh biết thấy pháp 

Nhưng nếu khi buồn con chỉ thấy trạng thái buồn như nó là trong nhân duyên sinh diệt của nó, thì đó thuần túy là tánh biết thấy pháp chứ không có ngã và ngã sở. 

Ngã không và pháp cũng không 

Trong tánh biết, mắt tự thấy sắc, tai tự nghe âm thanh..., tâm tự biết pháp nên trong thấy biết đó hoàn toàn ngã không và pháp cũng không (không có năng sở). và Ngã sở

(ái - thủ - hữu) là nguyên nhân của luân hồi sinh tử

Sở dĩ đức Phật dạy quán từ bỏ vì rõ ràng là quá nhiều người niệm thở với mục đích đạt được một điều gì đó để trang bị thêm cho bản ngã một sở đắc như mong muốn của mình. Đó là cách tu của Bà-la-môn muốn tiểu ngã trở thành đại ngã. Trong lúc mục đích niệm thở mà đức Phật dạy hoàn toàn khác hẳn, đó là chỉ trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm với mục đích duy nhất là từ bỏ mọi ý đồ trở thành. Và đó chính là ý nghĩa của quán từ bỏ khi đang thở một cách trọn vẹn vậy. Lời dạy này giúp con thấy rằng đừng bao giờ thiền quán niệm thở hoặc bất kỳ thiền nào khác mà đức Phật dạy với mục đích trở thành. Trở thành (ái - thủ - hữu) là nguyên nhân của luân hồi sinh tử, như đức Phật dạy trong 12 duyên khởi, chỉ đưa đến sầu-bi-khổ-ưu-não mà thôi.



Tư tưởng muốn trở thành chính là ÁI, THỦ, HỮU

Tư tưởng muốn trở thành chính là ÁI, THỦ, HỮU – cái gốc sinh tử trong thập nhị duyên sinh. Thí dụ như con thấy vọng khởi và muốn dẹp nó đi để có khoảng lặng nhiều hơn thì đó chính là ái - thủ - hữu. 

Vọng tưởng

Cái con cho là “vọng” thực ra là pháp vô nhân, vô ngã, tự sinh, tự diệt (có thể là pháp tự nhiên theo định luật tâm, có thể là quả của nhân quá khứ do định luật nghiệp),

Khởi ý muốn diệt vọng tưởng

Cái ý con khởi lên cho đó là vọng rồi muốn diệt nó đi mới chính là hữu nhân, hữu ngã (chủ ý tạo tác của cái ta), cho nên nó mới tạo ra thời gian và sinh tử (ái-thủ-hữu --> sinh-lão-tử). Quả thì chỉ là sinh diệt tự nhiên, còn nhân mới tạo ra sinh tử luân hồi.

Pháp sinh diệt

Pháp sinh diệt là trạng thái, còn thấy rõ bản chất thực tánh của nó, hay khởi tâm xử lý trạng thái ấy là thái độ. Trạng thái yên lặng hay trạng thái sinh diệt không quan trọng mà chủ yếu là thái độ thấy biết (Vipassanà, Kiến tánh). 

Tri kiến thanh tịnh

Nếu thấy biết đủ thanh tịnh trong sáng để nhận ra sự sinh diệt hay yên lặng của mọi trạng thái thì đó là tri kiến thanh tịnh. 

Ý đồ của bản ngã

Còn nếu trong thấy biết còn khởi lên khái niệm sinh diệt là vọng, yên lặng là chơn thì liền có ý phê phán, kiểm duyệt, loại bỏ, giữ lấy… tức đã có ý đồ của bản ngã tham sân can thiệp thì liền rơi vào tiến trình ái-thủ-hữu của luân hồi sinh tử.

Sự tịch tịnh của Niết-bàn

Khi con thấy biết một trạng thái (thân, thọ, tâm hay pháp) thì trong thấy chỉ thấy, trong biết chỉ biết mà không có cái ta lăng xăng giải quyết xen vào thì ngay đó không còn khái niệm, tư tưởng, thời gian và sinh tử… làm sao còn ý niệm bao lâu mới đạt được một trạng thái để rồi lại rơi vào sinh tử?

Con ạ, sự yên lặng của thái độ trước mọi sinh diệt của trạng thái mới là sự tịch tịnh của Niết-bàn.




Cơn buồn

Cơn buồn cũng như vạn pháp có quá trình sinh-trụ-dị-diệt, thành-trụ-hoại-không của nó. Chỉ THẤY nó như nó đang là thôi, đừng muốn nó mau qua đi bởi vì như thế con sẽ có cảm giác nó tồn tại lâu hơn. Nói chung con vẫn còn mong muốn một trạng thái lý tưởng để đạt đến, để hoàn thành, nên vẫn còn bị tư tưởng và thời gian chi phối. Ngay nơi cơn buồn, nếu con có thể trở về trọn vẹn trong sáng với nó thì nó là nó như nó đang là, nhưng khi con so sánh nó với lý tưởng của con thì liền có mâu thuẫn, đối kháng và bất an. 
Buồn là một pháp, một trạng thái, một sự kiện thuần túy có nhân duyên, có sinh diệt, có đến đi của riêng nó trong định luật vận hành của tâm pháp nên nó đang diễn ra thật. Còn lý tưởng của con mới là ảo, vì nó là giả thuyết chỉ có trong tưởng tượng của con mà thôi.

Giác ngộ là chỉ thuần túy THẤY (Vipassanà, Kiến Tánh)

 Giác ngộ là chỉ thuần túy THẤY (Vipassanà, Kiến Tánh), dù là giải thoát hay phiền não thì nó cũng là pháp để giúp con THẤY. Vậy con phải cảm ơn nó, cái buồn là một sự thật đang báo cho con THẤY rằng trạng thái lý tưởng gì đó của con chỉ là ảo. 

Tu là THẤY ra sự thật

Tu là THẤY ra sự thật chứ không phải là nỗ lực để đạt được lý tưởng ảo. Bỏ cái thực để đuổi bắt cái ảo là sai lầm trong nhận thức và hành vi, là "thả mồi bắt bóng" và vì vậy phiền não chỉ tăng thêm mà thôi. Pháp chỉ thực khi nó đang là, còn lý tưởng mà con "cho là", "phải là", "sẽ là"... chỉ là ảo. Hãy trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-tâm-cảnh, đừng phê phán, đánh giá, kiểm duyệt hay thêm bớt gì cả, vì tất cả chân lý đều nằm trọn vẹn trong sát-na hiện tiền này mà thôi.


Đối trị trạng thái ưu phiền

Ưu phiền là quả, thương ghét là nhân. Quả là trạng thái, nhân là thái độ. Muốn đối trị trạng thái ưu phiền chỉ làm tăng thêm thái độ ưa ghét, vì vậy ý muốn đó chính là thái độ sai lầm. Thái độ nhận thức sai lầm đó là vô minh; vô minh sinh ra thái độ phản ứng sai lầm đó là ái dục biểu hiện qua hành động thương ghét. Vậy vô minh là gốc, ái dục là cành nhánh, còn ưu phiền chỉ là ngọn mà thôi. Đối trị ưu phiền chỉ như chữa bệnh ngoài da, không thể trừ tận gốc. Vô minh là gốc mà vô minh là không thấy ra sự thật, vậy con chỉ cần thấy rõ sự thật của ưu phiền, của thương ghét thì hết vô minh, mà hết vô minh thì hết ái dục, hết ái dục thì hết ưu phiền chứ con không cần đối trị nó một cách chủ quan như con mong muốn.

Cần bản đồ chi nữa?

Phật dạy cứ ngay nơi sự vận hành của thân thọ tâm pháp mà thấy thôi là giác ngộ giải thoát.
Đọc kinh, nghe pháp mục đích để thấy nguyên lý tu tập hay nói đúng hơn là biết sống đúng lẽ thật. Nếu con đã thấy ra hướng tu, đã biết sống thuận pháp thì không cần thiết phải xem kinh đọc sách nữa. Ví như người cần bản đồ để tìm đường đi, khi đã biết đường rồi thì không cần bản đồ nữa. Do đó Phật dạy: "Pháp như thuyền đưa người qua sông, pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp"....Chỉ những ai ít bụi trong mắt mới thấy được pháp mà Ngài khai thị. Pháp ấy mỗi người đều có sẵn, chỉ cần nhìn lại là thấy ngay thôi.