PHÁP NGỮ 11


Chánh Niệm

Chánh niệm là trở về trọn vẹn với hiện tại nhưng không tự mãn với hiện tại mà cần phải tỉnh giác soi sáng hiện tại nữa mới được, nếu thiếu tỉnh giác tức sự sáng suốt biết mình thì đức Phật gọi là đắm chìm trong hiện tại. Nói rõ hơn, chánh niệm tỉnh giác là không truy tìm bản ngã trong quá khứ, không ước vọng bản ngã trong tương lại, và nhất là thấy ra cái ngã ảo tưởng trong hiện tại. Chính cái ngã này tự mãn với tình trạng tốt đẹp của mình nên thiếu trọn vẹn tỉnh thức.

 Niết Bàn


...Có tự mãn thì cũng sẽ có bất mãn nên ngay cả chứng ngộ Niết-bàn mà đức Phật cũng vẫn dạy rằng "Vì Như Lai biết rõ Niết-bàn là Niết-bàn nên không tự mãn trong Niết-bàn, không xem Niết-bàn là ta, của ta và tự ngã của ta."

Trong tu có hai pháp


 Một là nhận thức, hai là hành vi.
 Muốn nhận thức đúng thì thường trải nghiệm, chiêm nghiệm, quan sát, lắng nghe để khám phá sự thật. Nhận thức đúng thì hành vi tốt, nên nhận thức (chánh kiến) là chính, còn hành vi chỉ là tuỳ duyên ứng xử có tính đối trị tương đối mà thôi chứ không cần tuyệt đối. Nều ứng xử chưa tốt thì lấy đó làm bài học để điều chỉnh nhận thức và hành vi.




Tứ Niệm Xứ

Tứ Niệm Xứ là sống đúng Bát Chánh Đạo ngay nơi thực tại thân, thọ, tâm, pháp. Khi hành giả không buông lung theo tham ái, tinh tấn trở về với thực tại hiện tiền (Ehipassiko); trọn vẹn chánh niệm trong thực tại đó (Opanayiko), không còn hướng bên ngoài; ngay đây và bây giờ, không tà kiến, tỉnh giác thấy pháp chân thực như nó đang là (Sandiṭṭhiko), không trải qua thời gian (Akāliko), thì liền tự mình chứng ngộ Sự Thật (Paccattaṃ veditabbo viññūhi). Do đó Tứ Niệm Xứ là đạo lộ độc nhất ngay đó thoát khỏi sinh tử luân hồi chứ không đưa đến mục đích nào khác bên ngoài.


Vẻ đẹp của cuộc sống


Vẻ đẹp của cuộc sống không phải chỉ là lương thiện, mà là thấy ra cả hai mặt thiện ác của cõi trần gian. Lương thiện và an bình thôi chưa đủ, vì sự vận hành của pháp không phải chỉ có sinh mà cũng cần có khắc. Khi con thấy ra hai mặt của cuộc sống thì tâm con thanh tịnh, và khi thanh tịnh con thấy tất cả đều là vẻ đẹp kỳ diệu của cõi Ta-bà này.


Mục đích tối hậu của đạo Phật


Mục đích tối hậu của đạo Phật là chứng ngộ Niết-bàn, nhưng như chúng ta đã thấy mục đích thực tế nhất vẫn là "thoát khỏi khổ đau, đạt đến an lạc". Bởi vì nếu ngay bây giờ chúng ta được an vui tự tại thì kiếp sống vị lai dĩ nhiên cũng được an vui tự tại. Nếu hiện tại chúng ta được thanh tịnh, không còn phiền não khổ đau thì đó chính là cứu cánh Niết-bàn vậy.

Chỉ cần giác ngộ Sự Thật, không cần trở thành cái "ta" hoàn hảo.

Đừng quá đặt nặng phương diện đạo đức - thiện ác - mà quên rằng đó chỉ là những "chất liệu" để con giác ngộ. Dù cuộc đời diễn ra thế nào thì con vẫn lấy đó làm bài học để giác ngộ ra Sự Thật nơi tự thân và cuộc sống, chứ không phải để hoàn thiện theo một kiểu mẫu lý tưởng nào. Không có đạo đức hoàn hảo trong đời sống tương đối, chỉ khi trong đời sống tương đối mà giác ngộ ra cái tuyệt đối thì đạo đức mới thật sự hoàn hảo. Vì vậy, chỉ cần giác ngộ Sự Thật, không cần trở thành cái "ta" hoàn hảo.


Tôn giáo có hai loại


Tôn giáo có hai loại: Một là tôn giáo mang tính siêu hình với nhiều hình ảnh Thần Linh ban ơn giáng hoạ, chi phối toàn bộ đời sống con người, an bài định mệnh của mỗi người nên tín đồ phải cầu xin để được ban phúc. Hai là Tôn giáo mang tính thiết thực hiện tại trong đời sống, phát huy trí tuệ và đạo đức, giúp con người biết sống thuận theo nguyên lý vận hành của của đời sống.

Pháp hộ trì người sống thuận pháp

Đức Phật dạy: "Pháp hộ trì người sống thuận pháp. Pháp luôn giúp mỗi người học bài học điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi qua những trải nghiệm đời sống của chính họ. Người nhận thức và hành vi sai xấu sẽ khổ đau, người nhận thức và hành vi đúng tốt sẽ an lạc. Đó là nguyên lý tự nhiên của pháp.

Thấy Sự Thật là giác ngộ

Sự tỉnh thức với chính mình càng trọn vẹn thì càng ít bị dục vọng chi phối. Nhưng con cũng đừng cố gắng đối đầu với dục vọng. Với sự trọn vẹn tỉnh thức, mọi pháp - dù tốt hay xấu, thuận hay nghịch - đều giúp con thấy ra Sự Thật. Thấy Sự Thật là giác ngộ, có giác ngộ thì tự nhiên giải thoát. Nhưng nếu con muốn mau loại bỏ dục vọng để sớm giải thoát thì bài học giác ngộ sẽ không đủ yếu tố để hoàn thành. Do đó thiền nói không sợ vọng khởi, chỉ sợ thiếu tỉnh giác để thấy ra tâm vọng kịp thời.



Tâm 

Tâm có hai phần là tánh biết và tướng biết. Tánh biết chỉ có một, luôn thanh tịnh trong sáng và không sinh diệt, còn tướng biết có tới 121 tâm thức sinh diệt theo đối tượng. Tướng biết đạt đến chỗ cao tột là tri kiến thanh tịnh thì cũng chỉ mới là trạm xe cuối mà thôi, vì nó còn sinh diệt nên vẫn chưa vào được tánh biết chứng ngộ vô thủ trước Niết-bàn.
Nếu chánh niệm tỉnh giác của con có lúc tĩnh lặng sáng suốt phản ánh trung thực thân thọ tâm pháp thì cũng chỉ nhất thời kiến tịnh của tướng biết sinh diệt mà thôi, do đó nó vẫn mất đi khi điều kiện không còn thuận lợi như trước nữa. Nếu là chánh niệm tỉnh giác xuất phát từ tánh biết tự nhiên thì đơn giản con chỉ thấy vọng động là vọng động, phiền não là phiền não, duyên sinh là duyên sinh như nó đang là chứ không có "cái ta chánh niệm" ghi nhận "cái phiền não của ta" trong đó thì đâu có ai khổ, phải không? Và thực ra cái tâm phiền não thuộc tướng biết sinh diệt chứ cái thấy của tánh biết vẫn thanh tịnh trong sáng và không sinh diệt. 

Tưởng

Tưởng thì tâm nào cũng có vì Xúc, Thọ, Tưởng, Tư, Nhất tâm, Mạng căn, Tác ý biến hành trong tất cả tâm. Nhưng tưởng cũng có nhiều loại, tưởng đi với tâm bất thiện là vọng tưởng, tưởng ở trong thiền định giúp đưa đến nhất tâm, tưởng đi với trí tuệ đạt được Tam Minh. Do đó càng ít vọng tưởng sáng tạo càng cao.

Chân lý không bao giờ cũ kỹ


Cứ để cho tâm luôn tiếp nhận sự mới mẻ và sáng tạo, vì chân lý không bao giờ cũ kỹ, cũng không bao giờ là cái được lặp đi lặp lại để nắm giữ điều gì.

... cứ tùy duyên thuận pháp mà học ra lẽ thật Trời Đất (Pháp) ban cho mới thấy ân sủng của cuộc đời thật lớn. Nỗi khổ niềm vui, cái được cái mất, khi thăng khi trầm, lúc thành lúc bại... đều là bài học giác ngộ ra lẽ thật muôn đời. Chỉ cần ai ít bụi trong mắt sẽ thấy chân lý ở khắp mọi nơi trong từng sát-na kỳ diệu...

Hồi hướng công đức

Hồi hướng công đức là khi làm một việc phước nào không giữ lấy phước ấy cho riêng mình mà mở tâm chia sẻ đến tất cả chúng sinh và những người cần được hồi hướng.


Trích ghi lời dạy của Thiền Sư Viên Minh
Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông