Hỏi: Thưa Thầy Niết-bàn hay cảnh giới vô sanh của A-la-hán và của Đức Phật toàn giác có khác nhau không ạ?
- Niết-bàn, Vô Sanh không có cảnh giới. Tâm sinh ra tướng cảnh giới vì vậy còn có tướng cảnh giới thì còn sinh diệt: “Anicca vata sankhārā” hay cái gì có tướng thì đều không thật hữu: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” cho nên trong Vô Sanh, Niết-bàn không hề có khái niệm cảnh giới. Nghĩa là Niết-bàn, Vô Sanh không ở một nơi nào cố định nhưng đối với người giác ngộ thì Niết-bàn ở khắp mọi nơi, ở đâu cũng đều là Niết-bàn được cả.
Niết-bàn là vô ngã nên không ai sở hữu được, không
có Niết-bàn riêng của Phật và Niết-bàn riêng của A-la-hán. Thanh Văn Giác, Duyên
Giác hay Toàn Giác đều thấy cùng một Niết-bàn duy nhất. Ngay cả chúng sanh cũng
ở trong Niết-bàn đó nhưng do ảo tưởng về một Niết-bàn nào khác nên không thấy
được Niết-bàn đang ở khắp mọi nơi. Vì có Niết-bàn mà không thấy nên gọi là
chúng sanh, còn khi thấy Niết-bàn thì gọi là Phật, là A-la-hán thế thôi.
Trạng thái
Hỏi: Bạch Thầy, con gặp trường hợp nằm thiền rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa ngủ, con như là ngủ nhưng lại vẫn biết xung quanh. Con hơi lo lo không hiểu trạng thái đó là trạng thái gì ạ.
- Không cần biết đó là trạng thái gì, chỉ cần biết trạng thái đó đang là như thế nào thôi. Khi nói biết đó là gì thì đã xác định qua khái niệm, nên người nói “đã biết” thực ra là chưa biết gì cả. Cái biết luôn luôn mới mẻ thì làm sao nói “biết rồi” được. Do đó, cứ trải nghiệm thấy biết trung thực thôi chứ đừng kết luận hay hình thành kinh nghiệm gì cả. Không quan trọng là trạng thái nào, trạng thái chỉ là trạng thái, mà chủ yếu là có thấy trạng thái đó như nó là không hay chỉ tưởng là, cho là…
Thấy là chính, chứ không phải trạng thái là chính vì trạng thái khi này khi khác, thuộc tướng tương đối. Nói theo Dịch lý, hiện tướng thì khi âm khi dương, khi bỉ khi thái, biến hóa vô cùng... nên trong thấy chỉ thấy trong nghe chỉ nghe chứ đừng dừng lại ở kết luận nào. Khi bỉ thấy bỉ một cách trọn vẹn là ngay đó thấy thái cực. Khi thái thấy thái một cách trọn vẹn cũng liền thấy thái cực. Khi dương thấy dương một cách trọn vẹn tức là thấy thái cực, khi âm thấy âm một cách trọn vẹn chính là thấy thái cực. Không có hiện tướng nào là thái cực cả, nhưng khi trọn vẹn với hiện tướng đó thì liền thấy ra thái cực chứ không lìa tướng để thấy thái cực ở đâu khác. Còn nếu kết luận rằng tôi đã đạt được trạng thái nào thì trạng thái đó đã qua mất không bao giờ dừng lại.
Ví dụ dễ hiểu hơn là mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, nên chỉ thấy thôi làm sao có thể nói đã đạt được mặt trời một lúc nào đó như ý mình được. Chỉ thấy mặt trời mọc là như vậy và mặt trời lặn là như vậy mà thôi. Cũng thế, người tu cố gắng miên mật để đạt được một trạng thái sở đắc nào đó là cực kỳ nhầm lẩn, vì như vậy là thường, là ngã rồi làm sao chứng ngộ được bản chất vô thường, vô ngã của mọi pháp. Trong Đạo Phật chỉ có chứng ngộ sự thật chứ không có sở đắc bất kỳ trạng thái lý tưởng nào.
HT. Viên Minh