Kính thưa Thầy,
Ban đầu con học Phật vì quá đau khổ, muốn có điểm tựa cho tâm hồn, con cần làm cho đầu óc mình quên đi cái khổ cái đau đang hiện hữu mỗi ngày, mỗi ngày… Thật sự con cũng không ngờ là mình đã nhanh chóng “lọc xóa” được phiền não cả đời trong 1 thời gian ngắn như vậy. Thú thật con hành thiền cũng không nhiều lắm, không chắc là mình hành có đúng phương pháp không nữa, chỉ thấy là tâm thể ngày càng nhẹ nhàng và thấy vui, thấy hài lòng khi nghe con gái con nói, “mẹ thay đổi nhanh quá, con thích mẹ như thế này mãi...” Lúc ấy con cũng không biết Đạo Phật Nguyên Thuỷ và Tiểu Thừa, Đại Thừa Phát Triển là gì. Con cứ học tiếp, học Phật Pháp, thế thôi. Với con, học Phật là thiết yếu, là nhu cầu như đói thì ăn, khát thì uống, con cảm thấy tâm linh con cần và con rất thích học, nhất là sau khi sáng tỏ về một số kinh sách thì con thấy càng thích học hơn nữa, "học để mà học", chỉ là nhu cầu tâm linh, vậy thôi, không mong cầu sở đắc...
Thưa Thầy, sau một thời gian học hỏi, tự nhiên những từ “Phật tánh, Pháp thân…” hiện ra trong đầu con, thế là con tìm hiểu, rồi con hiểu tiếp về Chân đế, Tục đế, Trung đạo, Tánh Không… chỉ là hiểu theo kinh sách, theo cái “Lý” thôi và con muốn lao vào thực nghiệm cái “Sự”. Con sai ở chỗ này phải không Thầy? Vâng, nhờ Thầy mà con đã nhìn lại, con đã hết “muốn lao vào” vì con đã hiểu.
Cái cảm giác “ngộ đạo” là trước đây thôi, khi mới chợt sáng chút ít, (giờ thì biết, thấy mình ngộ tức là mình còn mê). Lúc ấy con nghĩ, tâm con người bản nguyên nó như là nước trong suốt KHÔNG bị đục (tức là ngộ), do vì CÓ cát bụi trần ai rơi vào nên nó trở thành đục (tức là mê), ta gạn lóng hết cát bụi (tu, buông xả, bỏ đi cái Có trần tục) thì nước sẽ trong, sẽ trở về nguyên thủy, không bị đục nữa, tức là ta đã hết mê, ta đã ngộ. Tri nhận điều này, con đã sai lầm khi phá nhị nguyên để tìm chân lý tuyệt đối.
Con cứ nghĩ, không hai tức là bỏ đi một, chỉ còn MỘT là cái gốc thôi. Như nước trong-đục thì trong là tuyệt đối, mê-ngộ thì ngộ là tuyệt đối, thiện-ác thì thiện là tuyệt đối, chơn-vọng thì chơn là tuyệt đối và ta phải tu để sửa cái xấu thành tốt, trở về cái gốc tốt đẹp ban đầu… Vì thế con nhức đầu với giáo lý: phải vượt qua các cặp phạm trù tương đối đó mới thấy được chân lý tuyệt đối. Rồi từ từ con hiểu “Bản lai vô nhất vật”, “Không thiện không ác mới là bản lai diện mục”...
Con học rồi con ngồi thiền quán tưởng Chân không, nơi khởi nguyên không có gì hết, trống trơn, thênh thang không giới hạn, rồi sau đó có các hạt vi trần nhỏ xíu bay bay trong không gian, rồi chúng kết tụ thành vật chất hữu hình, trái đất, mặt trời, mặt trăng, sao, bầu khí quyển… rồi mưa, nắng, gió… rồi thực vật, động vật ra đời, tiến hóa dần… Tất cả hiện tượng vật chất đều hình thành theo thuyết Duyên Sinh “trùng trùng duyên khởi”, nhờ nương vào nhau mà có mặt. Đó là Tánh Không, từ Không mà duyên khởi thành Có. Rồi các vật được đặt tên và chúng được phân biệt trong-đục, thiện-ác, mê-ngộ, xấu-đẹp, chơn-vọng… Chân Không rộng lớn không ngằn mé (Chơn đế) bao trùm và lồng trong vạn hữu (Tục đế). Nước trong - không có cát bụi - không phải là chân lý, mà cái Thể Không có gì hết mới là chân lý.
Thưa Thầy, con không biết diễn tả thế nào, chỉ biết nhận thức của con qua quá trình tu học trước đây là thế, nhưng khi đọc bài viết "Mưa ơi, cứ mưa đi" của Thầy trên mục Thư Viện, con đã hiểu ra vấn đề, cái Chơn Không tuyệt đối đó không phải là một cái Không tách biệt mà là Tánh Không ở ngay trong Thể, Tướng, Dụng của sum la vạn tượng trùng trùng duyên khởi, nên không cần phân biệt Không và Có để cố gắng tìm kiếm Cái Không trong ảo tưởng như trước đây nữa.
Không biết bây giờ con hiểu như vậy đã đúng chưa, mong được Thầy chỉ dạy. Kính chúc Thầy luôn mạnh khỏe. Con kính chào Thầy.
Con, KP
Con, KP
Con,
Những điều chiêm nghiệm được sau khi nghiên cứu Kinh Điển Phật Giáo mà con trình bày, thầy không có đủ thời gian góp ý từng điểm cụ thể, nếu có dịp con đến gặp thầy thì có lẽ thầy phân tích vấn đề kỹ càng hơn là viết ra trên giấy. Ở đây thầy chỉ có thể nói tóm tắt rằng con không nên quá tin tưởng vào Kinh Luận về sau, vì phần lớn đã bị rơi vào hai cực đoan:
- Một là nặng về lý nên đã biến Đạo Phật thành hệ thống tư tưởng triết học. Cũng rất hay, nhưng thực ra chỉ tạo thêm nhiều ảo tưởng tinh vi "siêu đẳng" hơn trong giới tự cho mình là trí thức mà thôi. Khi con đang đau khổ thì có vẻ như nó giúp con bay bổng trong lý tưởng siêu huyền mà quên đi những khổ đau trần thế. Nhưng đó chỉ là trò lừa bịp tinh vi của lý trí vọng thức!
- Hai là nặng về đức tin nên đã biến Phật Giáo thành tín ngưỡng dân gian, hạ thấp Phật xuống thành Thần Linh ban ơn cứu khổ, để rồi chỉ biết cúng bái cầu xin. Khi người ta khốn khổ, đó đúng là liều thuốc an thần hay giảm đau hữu hiệu nhất thời. Nhưng thực tế, bệnh vô minh ái dục, tà kiến tham ái, chỉ càng sâu nặng thêm thôi!
Đức Phật là bậc giác ngộ sự thật, nên Ngài đơn giản chỉ ra sự thật hiển nhiên ấy, mà vì nhận thức và hành vi sai lầm về cuộc sống nên người ta không thấy ra để rồi tự chuốc lấy khổ sầu, nếu chỉ ra mà họ thấy được thì liền hết khổ. Sự thật ấy không ở trong hệ thống lý luận nào kiểu triết học hoặc tín ngưỡng, nó đơn giản như nó đang là mà không cần gán vào đó bất kỳ khái niệm nào dù là có hay không, thường hay đoạn, giả hay chân..., nó ở ngay nơi những trình hiện của thân, của cảm giác khổ vui, của thái độ nội tâm thương ghét, của pháp tương giao tự nhiên hoặc mối quan hệ ràng buộc... hay nói cách khác, ngay nơi thực tại thân tâm cảnh đang là này chứ không gì khác.
Vì vậy, không phải trốn lánh khổ đau trong những khái niệm lý tưởng cao siêu hoặc trong những pháp môn tu luyện để lấy bỏ, chọn lọc, để được bình an, thanh thản, thoát khổ được vui... mà chính là thấy ra khổ đúng bản chất thật của nó ngay đây và bây giờ như nó đang là. Thấy ra tánh tướng thể dụng của khổ như chính nó biểu hiện trung thực ngay đó chứ không phải theo bất kỳ một khái niệm có sẵn trong kinh điển tôn giáo hay triết học nào. Quên hết đi, "chỉ nhớ trên đầu một chữ như" thôi cũng đã quá nhiều.
"Bản lai vô nhất vật" không phải là "không có gì cả" mà là vượt ngoài khái niệm có-không, chân-giả...; cũng không phải Thể Tánh là Không còn Tướng Dụng mới Có; hoặc có là giả không là thật... mà ngay đó đừng nghĩ có nghĩ không, nghĩ thiện nghĩ ác, nghĩ đúng nghĩ sai, nghĩ chân nghĩ vọng gì cả, chỉ đơn giản thấy nó trọn vẹn như nó đang là Yathābhūtā Tathatā. Chỉ cần sống trọn vẹn trong một sát-na không thêm bớt, chấm dứt mọi nỗ lực trở thành... là đang trở về với sự sống muôn đời, không sinh diệt, dù ngay đó là nỗi khổ hay niềm vui. Đó chính là điều Thiền sư Huyền Giác đã từng nói:
Vô minh thật tánh tức Phật Tánh
Huyễn hoá không thân tức Pháp Thân.
Vô minh thật tánh tức Phật Tánh
Huyễn hoá không thân tức Pháp Thân.
Chào con.
Thầy Viên Minh
Thầy Viên Minh
Thư Thầy trò (65)
Tác giả: Viên Minh - Kim Phụng