Chấp đoạn chấp thường


Hỏi: Thưa Thầy, Do còn nỗi sợ thế gian quá lớn nên muốn giải thoát theo nghĩa biến mất hoàn toàn khỏi thế gian, hoặc theo nghĩa từ bỏ thế gian để đến cõi thường hằng, tu tập chấp đoạn chấp thường như thế có giác ngộ giải thoát thật sự được không?

- Tất nhiên là không. Do không thấy sự thật mới chấp thường, chấp đoạn. Thật ra, trong Pháp vốn có thường có đoạn, vì có pháp vô thường như pháp tướng hữu vi sinh diệt, có pháp không vô thường sinh diệt như pháp tánh vô vi tịch tịnh – Niết-bàn. Nhưng vấn đề là ở chỗ thấy một chiều - biên kiến - nên mới chấp thường, chấp đoạn, gọi là chấp nhị nguyên. Nếu đã chấp thì đều là ảo tưởng, không đối diện với sự thật.
Giác ngộ là thấy ra Niết-bàn ngay nơi thân thọ tâm pháp chứ không phải loại trừ thân thọ tâm pháp để tới một Niết-bàn “hoàn toàn đoạn diệt”, cũng không phải từ bỏ thân thọ tâm pháp để tới Cõi Phật “Thường-Lạc-Ngã-Tịnh”. Người sau do tưởng tượng mà nhầm lẫn về giải thoát giác ngộ đã đưa ra mục tiêu tu luyện mang tính chấp đoạn diệt hoặc chấp thường hằng để mong đạt đến. Giống như người tưởng mình bị mất cái đầu nên đi tìm cái đầu khắp nơi, đến khi va đầu vào vách mới biết cái đầu vẫn còn đó.
Khi ngài Assaji nói với đạo sĩ Sārīputta: “Tất cả pháp (luân hồi sinh tử) đều do nhân tâm ông sinh ra, khi nhân ấy diệt thì các pháp (luân hồi sinh tử) cũng diệt”, nghe xong như va đầu vào vách, đạo sĩ Sārīputta liền ngay đó thấy ra Pháp tánh, chứng quả Nhập Lưu, không còn loay hoay tìm thường tìm đoạn trong ảo tưởng nữa. Còn ông Bāhiya thì chứng quả A-la-hán liền ngay khi nghe xong đức Phật nói “Trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe, trong xúc chỉ xúc, trong biết chỉ biết, không có bản ngã Bāhiya trong đó dù quá khứ, tương lai hay hiện tại”. Vậy mục đích của tu tập đâu phải để đạt thường đạt đoạn như người sau thêm thắt qua các nhà chú giải và các luận sư đầy khái niệm ngữ nghĩa của lý trí.
Trà Đạo ngày 11.04.2017
HT. Viên Minh